Iran đưa ‘sát thủ’ Arash và UAV đến Iraq để ‘ăn thua’ với Mỹ?
Iran được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa tầm ngắn độ chính xác cao Arash và UAV ở Iraq để chuẩn bị cho kịch bản tấn công trong thời khắc chuyển giao quyền lực ở Mỹ.
Báo Al-Qabas của Kuwait dẫn các nguồn tin giấu tên ở Iran hôm 27/12 cho biết, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã triển khai tên lửa tầm ngắn và máy bay không người lái (UAV) tới Iraq.
Theo thông tin, tên lửa tầm ngắn độ chính xác cao Arash do Iran chế tạo được chuyển tới những cơ sở và khu trại của các nhóm vũ trang Iraq do Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên nguồn tin không tiết lộ loại UAV mà Iran triển khai tới Iraq, song lưu ý số UAV này cũng được sản xuất tại Iran và được bố trí các địa điểm có an ninh tốt ở phía nam Iraq.
Iran được cho là đã đưa tên lửa tầm ngắn và UAV đến Iraq. Nguồn: Sina. |
Việc triển khai này được cho diễn ra tại chốt biên giới Shalamcheh và thực hiện trong hai giai đoạn dưới sự giám sát của quân đội Iran. Nguồn tin cho biết thêm Iran huy động hai đơn vị IRGC tới vận hành số tên lửa và UAV nói trên.
Arash là hệ thống tên lửa vác vai cỡ đạn 20 mm được sản xuất cho mục đích phục kích, diệt máy bay trực thăng định. Loại vũ khí này đồng thời cũng có thể được dùng để bắn phá các mục tiêu trên mặt đất như công sự cỡ nhỏ, đoàn xe bọc thép, hậu cần của đối phương với độ chính xác được tuyên bố là khá cao, tầm bắn hiệu quả trong vòng 1.800 mét.
Arash được Iran tuyên bố là có thể bắn ở chế độ bán tự động và "không có đối thủ" ở nước ngoài, điều này cho thấy, đây là một loại vũ khí uy lực mạnh hơn các loại vũ khí cùng loại của nước ngoài hoặc là một loại vũ khí được thiết kế với cấu tạo độc nhất vô nhị.
Nguồn tin nhấn mạnh, IRGC có thể tấn công các mục tiêu ở Iraq và một số quốc gia khác ở khu vực trong vài tuần tới. Những cuộc tấn công này có thể được thực hiện trong thời gian ông Donald Trump rời nhiệm sở và chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.
Ngoài ra, nguồn tin cũng chỉ ra rằng, chỉ huy lữ đoàn đặc nhiệm al-Quds thuộc IRGC đã tới thăm Iraq vào tuần trước, ông đã thảo luận về việc cáo buộc Israel sát hại nhà nhà vật lý hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh và kế hoạch tấn công thời gian tới của Iran như là một hành động đáp trả.
Được biết, quan hệ Mỹ-Iran liên tục gia tăng căng thẳng từ đầu năm 2020 đến nay. Ngay từ ngày 3/1, ba quả rocket đã tấn công sân bay quốc tế Baghdad cướp đi sinh mạng của vị tướng huyền thoại của Iran Soleimani.
Ngày 27/11, vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Fakhrizadeh tại Iran một lần nữa “đổ dầu vào lửa”. Ngày 20/12 Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã hứng chịu “mưa rocket” và Chính quyền Mỹ ngay lập tức cáo buộc Iran đứng sau vụ việc này và cảnh báo Iran sẽ phải chịu trách nhiệm.
Những vụ việc này đã làm cho Mỹ và Iran đứng sát gần với “miệng hố chiến tranh”. Nhiều phân tích cho rằng, trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump chưa phát động bất kỳ cuộc chiến nào, do vậy, có thể trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Trump sẽ phát động một cuộc chiến nhằm vào Iran, qua đó để lại “di sản” cho ông Biden giải quyết.
Hiện tại Mỹ cũng đã triển khai quân hạng nặng ở Trung Đông, Mỹ đã đưa tàu sân bay lớp Nimitz đến Vịnh Ba Tư vào cuối tháng 11/2020. Sau đó, máy bay ném bom chiến lược B-52 cũng được Mỹ bố trí tại Trung Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, động thái này nhằm đề phòng các cuộc tấn công tiềm tàng từ lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.
Ngày 21/12, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cũng thông báo, đã triển khai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình USS Georgia mang theo 154 tên lửa Tomahawk cùng tàu tuần dương USS Port Royal và USS Philippine Sea đi qua eo biển Hormuz để tiến vào vịnh Ba Tư, khu vực cách lãnh thổ Iran chỉ vài chục km.
Ông Biden sẽ ra ‘đòn hiểm’ nào để tiếp tục Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc?
Chuyên gia Nga cho rằng, ông Biden sẽ kiềm chế Trung Quốc theo cách khác với ông Trump, trên nhiều góc độ “hiểm” với chiến lược đa dạng, và hiệu quả sẽ cao hơn.
Đức Trí (lược dịch)