Iran có giàn vũ khí 'khủng' tới đâu?
Trong những tuần qua, lực lượng nổi dậy dòng Sunni tự xưng "Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông" (ISIS) đã liên tiếp triển khai các cuộc tấn công và giành quyền kiểm soát một số thị trấn và thành phố trọng điểm tại Iraq.
Theo tờ Business Insider, trước mối đe dọa tới tình hình an ninh quốc gia, Cộng hòa Hồi giáo Iran đã cử 2 đơn vị thuộc lực lượng "Bảo vệ Cách mạng" – một trong những binh đoàn hùng mạnh nhất trong khu vực, tới Iraq để hỗ trợ chính quyền dòng Shi'ite của Thủ tướng Maliki đối phó với phe nổi dậy.
Hiện nay, Iran đang nắm trong tay 545.000 binh sĩ biên chế và sở hữu nhiều loại vũ khí công nghệ hiện đại nhất khu vực mà chủ yếu là mua từ Mỹ.
Trực thăng AH-1J SeaCobra
Trong giai đoạn từ năm 1975 – 1978, Mỹ đã bán 202 chiếc trực thăng AH-1J SeaCobra cho Iran. Tuy nhiên, cho tới nay, chỉ còn 50 chiếc đang hoạt động.
Trong khi đó, AH-1W, chiếc trực thăng cùng loại với AH-1J SeaCobra hiện vẫn là vũ khí chủ lực trong phi đội trực thăng tấn công của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.
Chiếc trực thăng AH-1J SeaCobra dài 16 m chở theo 2 phi công này có thể đạt tốc độ tối đa 352 km/h và tầm xa lên tới 3.200 m.
Iran cũng đã sản xuất phiên bản nâng cấp của trực thăng AH-1J mang tên Panha 2091 song hiệu quả hoạt động chưa được tiết lộ.
Tên lửa đất đối không RIM-66
RIM-66 là hệ thống tên lửa của lực lượng Hải quân do Mỹ thiết kế và xuất khẩu sang nhiều quốc gia.
Hệ thống tên lửa RIM-66 đi vào hoạt động vào năm 1967 và do Tập đoàn Raytheon sản xuất. Hệ thống tên lửa dẫn đường này có thể di chuyển nhanh gấp 3,5 lần so với tốc độ âm thanh và tầm xa lên tới 166 km.
Trong đó, Hải quân Iran đã lắp đặt hàng loạt tên lửa RIM-66 trên các tàu chiến và tàu hộ tống.
Hệ thống tên lửa S-300
Mặc dù không có thông tin xác thực song phía Iran khẳng định quốc gia này đang nắm trong tay hệ thống tên lửa S-300. Ngoài ra, Iran còn phát triển hệ thống tên lửa Bavar 373 với năng lực tương đương S-300.
NATO gọi hệ thống S-300 là S-10 Gladiator. S-300 được Liên Xô cũ phát triển từ thập niên 70 và dần nâng cấp cho tới khi dừng sản xuất vào năm 2011.
S-300 được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa chống máy bay hùng mạnh nhất trên chiến trường hiện nay.
S-300 còn có nhiều biến thể và được thiết kế để đảm nhận nhiệm vụ ngăn chặn tên lửa đạn đạo. Hệ thống radar của S-300 có thể theo dõi cùng một lúc 100 mục tiêu và lần lượt nhắm bắn 12 mục tiêu.
Hệ thống tên lửa dài 7 m này nặng tới 2 tấn và bay nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh ở tầm xa 90 – 150 km.
Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW
Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW là một phần trong mối quan hệ lịch sử lâu dài và ầm ĩ giữa Mỹ và Iran. Từ năm 1986, Mỹ đã cung cấp cho Iran hơn 2.000 tên lửa TOW.
Được chế tạo tại Tập đoàn Raytheon và đi vào hoạt động năm 1970, phạm vi hoạt động của tên lửa chống tăng TOW lên tới 3.750 m.
Thậm chí, các tên lửa TOW còn đươc lực lượng vũ trang Mỹ sử dụng hồi năm 2003 để tiêu diệt Uday và Qusay, con trai của Saddam Hussein.
Iran đã biến đổi hệ thống tên lửa TOW để phát triển thành tên lửa chống tăng Toophan. Loại tên lửa này từng được lực lượng Hezbollah sử dụng chống lại Israel trong cuộc chiến Lebanon hồi năm 2006.
Xe tăng tự chế Zufiqar
Iran đã vô cùng nỗ lực trong tiến trình phát triển các công nghệ quân sự nội địa và xe tăng Zufiqar là một trong những minh chứng điển hình của quốc gia này.
Được đặt theo tên cây gươm truyền thuyết của con rể nhà tiên tri Muhammad, xe tăng Zufiqar nặng 41 tấn được Khu liên hợp công nghệ Shahid Kolah Dooz chế tạo.
Nó được trang bị một khẩu súng tăng 12,5 cm và hai khẩu súng máy cùng tốc độ di chuyển tối đa 69 km/h.
Máy bay đánh chặn F-14 Tomcat
Chính Mỹ là quốc gia bán máy bay F-14 Tomcat cho Iran. Hiện nay, Không quân Iran đang nắm trong tay 2 đội máy bay F-14 và được thu mua trước thời kỳ Quốc vương Iran bị lật đổ trong Cuộc cách mạng Iran.
F-14A là một biến thể của F-14 Tomcat và được cất cánh lần đầu tiên vào tháng 12/1970. Sau đó, quân đội Mỹ đã chuyển giao thêm cho Iran 70 chiếc F-14 Tomcat. Hiện nay, 59 chiếc vẫn còn hoạt động.
Máy bay đánh chặn F-14 Tomcat được thiết kế để đảm nhận nhiệm vụ ngăn chặn các tiêm kích cũng như tên lửa hành trình và máy bay ném bom.
Tàu ngầm lớp Kilo
Hải quân Iran đã sở hữu nhiều tàu ngầm được thu mua từ thời Liên Xô cũ. Trong đó, hiện nay, Iran đang điều hành 3 tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng năng lượng điện diesel với chiều dài 70 m và có thể lặn sâu tới 300 m cũng như di chuyển suốt 45 ngày mà không cần tiếp tế.
Đặc biệt, Hải quân Iran đã chứng minh khả năng duy trì và sửa chữa các tàu ngầm hiện đại này mà không cần tới sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Đầu năm 2012, Iran đã quyết định không đưa các tàu ngầm Kilo tới một xưởng đóng tàu tại Nga để sửa chữa vì lo ngại chúng sẽ không bao giờ quay trở về nước.
Chiến đấu cơ MiG-29
Tính tới năm 2012, Iran đã sở hữu 25 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29.
MiG-29 vẫn là một trong những tiêm kích được Không quân Nga tin dùng. Nga đã sản xuất khoảng 1.600 chiếc máy bay loại này.
Với vận tốc tối đa Mach 2,25 và phạm vi hoạt động 1.450 km, MiG-29 được trang bị một khẩu đại bác 30 mm, chuyên chở gần 4 tấn vũ khí bao gồm 6 tên lửa không đối không.
Máy bay không người lái Karrar
Thông tin về chiếc máy bay không người lái chiến đấu Karrar được tiết lộ lần đầu tiên hồi cuối năm 2010.
Theo mạng truyền hình quốc gia Iran, chiều dài của Karrar là gần 4 m. Nó có thể di chuyển với tốc độ 901 km/h và phạm vi hoạt động là 998 km. Ngoài ra, Karrar còn có thể chở theo 2 quả bom dẫn đường chính xác trọng lượng 1/4 tấn.
Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad từng tuyên bố chiếc máy bay này là "sứ giả của những cái chết đối với kẻ thù của nhân loại".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…