Iran chấp nhận 'bắt tay' Trung Quốc để đối đầu với Mỹ?
Trong nhiều năm chính sách của Iran là sự 'giằng co' giữa phe hướng về phương Tây và phe hướng về phương Đông, nhưng gần đây, Tehran dường như đã nghiêng hẳn về Bắc Kinh để đối phó với Washington.
Nga và Đức đáp trả 'mối đe dọa’ của Mỹ đối với Nord Stream 2
Mới đây, các nghị sĩ Nga và Đức đã phẫn nộ trước tuyên bố của các thượng nghị sĩ Mỹ khi đe dọa cảng ở thành phố Sassnitz của Đức bằng các lệnh trừng phạt mới đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2).
Nhận định trên của nhà báo người Iran Said Jafari viết trên tạp chí Foreign Policy. Cụ thể, theo ông Jafari, do đường lối cực kỳ cứng rắn của chính quyền Donald Trump đối với vấn đề Iran, chính phủ Iran buộc phải xác định lập trường và chọn “ưu tiên” Trung Quốc hơn.
Iran tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Quan hệ Mỹ - Iran trước khi căng thẳng
Trước đây, nhà lãnh đạo Iran Hassan Rouhani phát biểu trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2013 rằng Tehran sẽ đàm phán với Mỹ dễ dàng hơn là với châu Âu, vì Washington đóng vai trò là “người đứng đầu” đối với phương Tây.
Không ai có thể ngờ rằng trong năm thứ 7 của nhiệm kỳ tổng thống của ông Rouhani, người Iran gần như cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Mỹ và ông Rouhani sẽ đàm phán với Trung Quốc để ký kết một thỏa thuận hợp tác trong thời hạn 25 năm.
“Ông Rouhani được coi là một chính trị gia ôn hòa ở Iran”, nhà báo Iran Said Jafari viết trong bài báo về Chính sách đối ngoại của ông Rouhani. Nhà báo Jafari nhận định ông Rouhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2013 nhờ những lời hứa xoa dịu căng thẳng với phương Tây.
Ông Jafari lưu ý, sự thay đổi trong quan điểm của ông Rouhani đã thúc đẩy sự chú ý đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Iran kể từ cuộc cách mạng năm 1979 giữa những người ủng hộ cải cách theo định hướng phương Tây và những người ủng hộ Trung Quốc.
“Chính phủ của cựu Tổng thống Mohammad Khatami (nhiệm kỳ 1997 - 2005), chọn hướng tăng cường quan hệ với châu Âu, sử dụng học thuyết “tương tác mang tính xây dựng” do ông đề xuất, nhưng Mahmud Ahmadinezhad, người thay thế ông, đã thay đổi chính sách đối ngoại và bắt đầu xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc”, ông Jafari viết.
Vào thời điểm nhiệm kỳ tổng thống của Ahmadinejad kết thúc, nền kinh tế Iran bị hạn chế do các lệnh trừng phạt quốc tế và xã hội Iran đã xuất hiện yêu cầu quay đầu sang phương Tây lần thứ hai.
Trước bối cảnh như vậy, ông Rouhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với lời hứa sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt quốc tế và chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời “đầu tư tất cả vốn chính trị của mình” trong các cuộc đàm phán với phương Tây và cuối cùng đã xoay sở để đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Theo đó Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế và rút lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
“Trong khi đó, những người phản đối ông Rouhani chỉ trích gay gắt ông vì “hướng về phương Tây”, cho rằng ông đã quên mất phương Đông một cách không cần thiết”, ông Jafari nhấn mạnh.
Iran “chấp nhận” Trung Quốc để đối đầu với Mỹ
Cũng theo ông Jafari, “tâm lý thân phương Đông” ở Iran được thúc đẩy trở lại bởi hai yếu tố. Một mặt, phe cánh đối lập ở Iran thích “một chính phủ theo phong cách tương tự như Trung Quốc và Nga” và không quá quan tâm đến dân chủ của phương Tây.
Mặt khác, nhiều nhóm có ảnh hưởng ở Iran ủng hộ duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc và do đó lo ngại rằng việc thiết lập quan hệ kinh tế với các công ty châu Âu và Mỹ sẽ gây tổn hại cho những mối quan hệ đó. Trong khi đàm phán với phương Tây, ông Rouhani phải tìm được sự đồng thuận với “hai lực lượng” này và khi Tổng thống Barack Obama vẫn đương nhiệm, việc này diễn ra khá thuận lợi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran sẽ “phải trả giá đắt” nếu Iran hoặc các đồng minh của nước này tấn công lực lượng Mỹ. (Ảnh: AP) |
“Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có cách tiếp cận “cứng rắn” với Iran, hy vọng của chính quyền Rouhani đã tiêu tan”, ông Jafari cho biết.
Khi ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018, về cơ bản ông đã chấm dứt mọi chiến thắng của ông Rouhani và các đồng minh và “làm tăng thêm sự mâu thuẫn” trong các lập luận của phe đối lập.
“Bây giờ Iran đã hơn hai năm chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt từ Mỹ, nhà lãnh đạo Iran dường như đã “bỏ cuộc” với thực tế rằng cách duy nhất để cứu đất nước là lắng nghe những người theo chủ nghĩa cứng rắn và quay sang phương Đông”, nhà báo Jafari chia sẻ.
Vào ngày 21/6, chính phủ Iran đã thông qua dự thảo thỏa thuận hợp tác giữa Iran và Trung Quốc trong thời hạn 25 năm. Thông tin chi tiết về thỏa thuận này không được công bố, làm nảy sinh nhiều đồn đoán. Theo đánh giá của một số quan chức cấp cao, thỏa thuận này chỉ liên quan đến quan hệ đối tác kinh tế.
Ngoài ra, theo ông Jafari, vẫn có những đồn đoán rằng sẽ có một phần liên quan đến quân sự trong thương vụ này. Nếu điều này là đúng, thì thỏa thuận này sẽ là bước tiếp theo trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Tehran và Bắc Kinh, vốn đã bắt đầu được củng cố ngay từ thời điểm ông Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân.
Theo các nguồn tin, vào tháng 12/2019, Iran đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Trung Quốc và Nga ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman. “Đồng thời, có tin đồn rằng quân đội Trung Quốc đã hiện diện ở Iran và theo các điều khoản của thỏa thuận mới, Tehran sẽ cung cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận đảo Kish ở Vịnh Ba Tư”, nhà báo Jafari viết.
Theo một số báo cáo, trong cuộc hội đàm Iran-Trung Quốc vào tháng 9/2019, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 280 tỉ USD vào phát triển lĩnh vực dầu khí và hóa dầu ở Iran. Bắc Kinh cũng dự kiến sẽ đầu tư 120 tỉ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và công nghiệp của Iran.
Tuy nhiên, ngày 16/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã phủ nhận các báo cáo trên. “Chúng tôi không từ bỏ và sẽ không bao giờ từ bỏ dù chỉ một tấc đất của Iran. Chúng tôi sẽ không cho phép Trung Quốc hay bất kỳ nước nào có đặc quyền sử dụng dù chỉ một mét nhỏ lãnh thổ Iran”, ông Zarif nói.
Ông Zarif cũng phủ nhận các tin đồn khác về việc chuyển giao các đảo ở Vịnh Ba Tư cho Bắc Kinh và về việc bán dầu cho Trung Quốc với giá rẻ cũng như việc triển khai các đơn vị của lực lượng vũ trang Trung Quốc ở Iran.
Trong khi đó, thỏa thuận Iran-Trung Quốc ngay cả khi chưa được chính phủ hai nước phê chuẩn đã là một tín hiệu cho thấy những người theo chủ nghĩa cải cách như ông Rouhani đã đánh mất thế chủ động và nỗ lực nhằm định hướng lại Iran theo phương Tây đã không thành công.
Do đó, phe đối lập ở Iran đã khai thác thành công việc ông Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân để tăng cường quan hệ quốc phòng, kinh tế và chính trị với Trung Quốc.
“Giữa Chiến tranh Lạnh, khi Iran vẫn được coi là một phần không thể thiếu của khối phương Tây, thì Tehran vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Liên Xô, cân bằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực ”, nhà báo kết luận.
Ngay cả sau cuộc cách mạng năm 1979 và sự gia tăng mạnh mẽ của tâm lý chống Mỹ diễn ra sau đó, chính quyền Tehran vẫn luôn cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Đông và Tây, về lâu dài có lợi cho chế độ. Tuy nhiên, cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với Iran đã buộc chế độ này phải xác định lập trường và các nhà lãnh đạo Iran quyết định Trung Quốc lựa chọn duy nhất còn lại đối với nước này.
Mới đây, mối quan hệ căng thẳng tột độ giữa Mỹ và Iran sau vụ Mỹ sát hại Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Thiếu tướng Qasem Soleimani hồi đầu tháng 1/2020 vẫn chưa được xoa dịu thì nay lại đón nhận những dấu hiệu tăng nhiệt mới. Vào tháng 4, Hải quân Mỹ cáo buộc 11 tàu quân sự của IRGC đã tiến hành “những hành động nguy hiểm và khiêu khích” khi tiếp cận gần 6 tàu Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh.
IRGC cáo buộc trong những tuần gần đây, lực lượng Hải quân Mỹ đã hành xử theo cách “không chuyên nghiệp” tại vùng Vịnh, đe dọa nền hòa bình khu vực và làm gia tăng các nguy cơ mới. Iran đã nhiều lần tỏ rõ lập trường xem chủ quyền dân tộc là một vấn đề thuộc về “lằn ranh đỏ”. Nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ không thỏa hiệp về an ninh và lợi ích đất nước với bất kỳ giá nào. Iran sẽ không do dự đáp trả tất cả các hành vi khiêu khích.
Thanh Bình (lược dịch)