Iran cảnh báo "đanh thép" Mỹ sẽ nhận hậu quả nếu vượt lằn ranh đỏ ở Vịnh Ba Tư
Theo hãng thông tấn MehrNews của Iran, Đại diện Hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 19/4 cho biết, các chỉ trích vừa qua của Mỹ nhằm vào hoạt động của IRGC ở vùng biển quốc tế trên Vịnh Ba Tư là điều “bịa đặt” và Mỹ không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” của Iran, hành động này sẽ làm lực lượng Mỹ ở khu vực này phải gánh chịu những hậu quả khó có thể tưởng tượng.
Tư lệnh Hải quân của IRGC Alireza Tangsiri. Nguồn: eastday.com. |
Theo tuyên bố của phía Iran, trong những tuần gần đây, Tehran đã nhận thấy rằng, hành vi “không chuyên nghiệp” của Hải quân Mỹ tại Vịnh Ba Tư đã bắt dầu xuất hiện trở lại, điều này đe dọa đến an ninh và sự ổn định của khu vực và tạo ra những nguy cơ rủi ro mới.
Đáng chú ý, lúc 23h00 ngày 6/4, khi tàu Iran Martyr Siacashi trở về cảng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu chiến Mỹ đã phớt lờ cảnh báo của Iran và tiến hành một số hành động khiêu khích, gây nguy hiểm cho tàu của Tehran. Trước sự đáp trả cứng rắn của Hải quân IRGC, các tàu chiến Mỹ đã buộc phải rút lui. Ngoài ra, lúc 6h00 ngày 7/4, khi tàu Martyr Siacashi đang tuần tra tại khu vực cách giàn khoan dầu của Iran khoảng 30 hải lý, tàu chiến Mỹ tiếp tục ngăn cản hoạt động của tàu Martyr Siacashi.
Tàu tuần tra Iran xua đuổi tàu Hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Nguồn: eastday.com. |
Do những hành động thiếu “chuyên nghiệp” của Mỹ, nên IRGC quyết định tăng cường thêm các tàu tuần tra ở Vịnh Ba Tư để ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, gây nguy hiểm của Mỹ, đồng thời đảm bảo an ninh cho các tàu chống buôn lậu dầu của Iran. Tuyên bố của IRGC cho thấy Hải quân Mỹ đã đưa ra những mô tả không chính xác và có chủ đích trong tuyên bố chính thức của mình về vấn đề Iran tăng cường tàu tuần tra ở Vịnh Ba Tư.
Trên thực tế, vào ngày 15/4, IRGC đã thông báo rằng, 11 tàu của lực lượng này sẽ tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở các khu vực cụ thể, trong quá trình huấn luyện đã bất ngờ “tao ngộ” tàu chiến Mỹ và phía Hải quân Mỹ đã phớt lờ cảnh báo của Iran để đưa ra hành vi khiêu khích, nhưng cuối cùng bị buộc phải rời khỏi khu vực.
Hải quân Mỹ đang tăng cường hoạt động ở Vịnh Ba Tư. Nguồn: eastday.com. |
Tuyên bố nhấn mạnh, Iran khuyến nghị Mỹ cần tuân thủ các quy định quốc tế và thỏa thuận hàng hải, tránh mọi hành vi không phù hợp và có nguy cơ tạo ra các rủi ro ở Vịnh Ba Tư, Vịnh Ô-man. Hải quân IRGC và Quân đội Iran sẽ xem xét các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Iran trước các hành vi nguy hiểm của nước ngoài trong khu vực và sẽ đưa ra phản ứng rõ ràng, mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động sai trái nào.
Tuyên bố nói rằng sự tồn tại “bất hợp pháp của chế độ Mỹ” trong khu vực là nguồn gốc của sự hỗn loạn và bất an, việc Mỹ rút quân khỏi khu vực Tây Á là cách duy nhất để duy trì an ninh lâu dài.
Theo báo cáo phương tiện truyền thông Mỹ ngày 15/4, IRGC đã điều động hơn 10 tàu để ngăn chặn hoạt động của các tàu Hải quân Mỹ tại vùng biển quốc tế phía bắc Vịnh Ba Tư. Trong khi biên đội tàu chiến Mỹ đang thực hiện các cuộc tập trận với trực thăng Apache, thì các tàu Iran đã xâm nhập vào đội hình tàu Mỹ với tốc độ cực nhanh, khoảng cách gần nhất là dưới 10 m. Sau đó, Hải quân Mỹ đã ra tuyên bố rằng các hành động nguy hiểm và mang tính khiêu khích của các tàu Iran đã làm tăng nguy cơ va chạm trong khu vực.
Iran nhiều lần đưa ra phản ứng cứng rắn trước hành động của Mỹ trong khu vực. Nguồn: eastday.com. |
Giới phân tích tình hình Trung Đông cho rằng, việc Mỹ bất ngờ tập hợp một biên đội hùng mạnh như vậy ở khu vực Vịnh Ba Tư rõ ràng là “có vấn đề”. Mặc dù không phải là nhằm tấn công Iran, tuy nhiên hành động này đã thách thức nghiêm trọng quyền khống chế eo biển Hormuz của Iran.
Đây là eo biển chiến lược, nằm giữa Vịnh Ba Tư và Vịnh Ô-man, eo biển này cũng là lý do mà Iran “sống” được kể từ sau khi Tổng thống Trump khăng khăng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, và gây áp lực kinh tế và quân sự lớn đối với Tehran.
Xét cho cùng, Vịnh Ba Tư, eo biển Hormuz là các động mạch năng lượng toàn cầu, và các động mạch này nằm dưới “lưỡi kiếm” của Iran. Nếu Mỹ dám sử dụng vũ lực, Iran không ngại để nền kinh tế toàn cầu sụp đổ, khiến thế giới phải trả giá đắt. Iran thời gian qua đã không ngừng tăng cường lực lượng kiểm soát eo biển Hormuz.
UAV Ababil-3 mới đưa vào biên chế của Iran. Nguồn: eastday.com. |
Mới đây nhất, hôm 18/4, IRGC tiếp tục đưa vào biên chế hàng loạt máy bay không người lái (UAV) mới, bao gồm 2 loại máy bay không người lái thuộc lớp Karrar và Ababil-3; 1 loại máy bay phản lực không người lái tầm xa chưa xác định. Những chiếc máy bay này có thể bay ở độ cao tới hơn 13.000 mét, thực hiện các nhiệm vụ ở phạm vi lên tới 1.500 km và bay liên tục 8 giờ. Đáng chú ý, UAV của Iran còn có thể được sử dụng làm các mục tiêu giả để đánh lừa hệ thống phòng không đối phương.
Được biết, Ababil-3 là phiên bản mới nhất của máy bay một động cơ tầm trung đã tồn tại được một thập kỷ. UAV cỡ nhỏ như Ababil-3 có khả năng mang nhiều thiết bị chiến đấu và quang điện khác nhau, chủ yếu được sử dụng để thu thập và truyền dữ liệu quang học và cũng có thể được triển khai cho các hoạt động chiến đấu với phạm vi hoạt động 150 km.
UAV Karrar có khả năng tấn công cảm tử. Nguồn: eastday.com. |
Karrar là 1 máy bay không người lái chủ yếu được sử dụng làm mục tiêu luyện tập cho phòng không. UAV phản lực Karrar của Iran có thể mang theo bom thông dụng hoặc bom lượn có khả năng tấn công chính xác mục tiêu từ khoảng cách xa. Ngoài ra chiếc UAV này còn có thể tấn công cảm tử vì nó có khả năng tự hủy.