Indonesia ‘quay lưng’ với vũ khí Mỹ để sát lại gần Nga
Indonesia không chỉ quyết tâm mua vũ khí Nga bất chấp Mỹ, mà còn xem xét hủy bỏ hợp đồng với Washington, động thái được cho là thể hiện thái độ “quay lưng” với Mỹ.
Theo báo cáo mới đây của hãng thông tấn Sputnik Nga, Đại sứ Indonesia tại Nga, ông Mohamad Wahid Supriyadi cho biết, cho dù Mỹ đe dọa trừng phạt thế nào thì Indonesia vẫn quyết định mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga theo hợp đồng đã ký kết năm 2018.
Máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất. Nguồn: Sina. |
Bloomberg cho biết thời gian vừa qua chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã nhiều lần gây sức ép, buộc Indonesia từ bỏ thỏa thuận đã ký với Nga về việc mua máy bay Su-35. Được biết, năm 2018, Indonesia và Nga đã ký hợp đồng về việc mua 11 máy bay Su-35 với tổng trị giá hơn 1 tỉ USD. Theo Đại sứ Indonesia tại Nga, “giao dịch vẫn còn hiệu lực và vẫn tiếp tục”.
Ông Mohamad Wahid Supriyadi tuyên bố, là một quốc gia độc lập, Indonesia có quyền mua công nghệ và thiết bị quân sự từ bất cứ quốc gia nào mà Indonesia thấy phù hợp. "Chúng tôi hiểu rằng một quốc gia nào đó có những mối quan tâm nhất định, nhưng chúng tôi là một quốc gia độc lập và có thể mua công nghệ và thiết bị quân sự từ nhiều quốc gia. Chúng tôi có thể mua từ Mỹ, Châu Âu và Nga. Đây là quyết định của chúng tôi", ông Supriyadi nói.
Ngoài ra, ông Supriyadi cũng tiết lộ, Bộ Quốc phòng Indonesia đang xem xét khả năng mua trực thăng Mi-17 của Nga. “Hiện, lực lượng vũ trang Indonesia đang sử dụng 12 máy bay trực thăng Mi-17B5 và 5 chiếc Mi-35 của Nga. Đề xuất mua thêm trực thăng Mi-17B5 hiện đang được tiến hành tại bộ Quốc phòng Indonesia”, đại sứ nói.
Ngoài hợp đồng mua máy bay thì cả 2 bên cũng đang nỗ lực xúc tiến thực hiện một số hợp đồng khác, trong đó, hợp đồng chuyển giao 43 xe tăng BMP-3F và BT-3F được ký kết năm 2019, với tổng giá trị 175 triệu USD cũng đang gấp rút tiến hành.
Trước đó, hồi tháng 3/2020, một quan chức Indonesia tiết lộ với Bloomberg rằng Jakarta gần đây quyết định không tiếp tục kế hoạch mua 11 chiếc Su-35, với tổng trị giá 1,1 tỉ USD. Ngoài ra, Indonesia cũng đã dừng việc đàm phán mua tàu tuần tra Trung Quốc với tổng trị giá 200 triệu USD.
Vị quan chức cho hay, quyết định được đưa ra sau khi giới chức Mỹ nói rõ rằng Indonesia có nguy cơ bị Mỹ cấm vận nếu mua Su-35. Cùng với đó, chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng lo ngại về khả năng Mỹ sẽ có hành động mang tính trừng phạt về thương mại nếu Jakarta tiếp tục đàm phán mua tàu Trung Quốc.
Mặc dù Indonesia khẳng định, Su-35 có thể cung cấp cho Indonesia lợi thế hơn so với hai nước láng giềng Australia và Singapore, tuy nhiên Mỹ vẫn cương quyết buộc Indonesia từ bỏ hợp đồng này và đề nghị Jakarta xem xét mua chiến đấu cơ F-16 Vipers hoặc F-35.
Vũ khí Nga đang dần “hất cẳng” vũ khí Mỹ ở Indonesia. Nguồn: Sina. |
Không chỉ cương quyết mua vũ khí của Nga, Indonesia còn có ý định hủy bỏ hợp đồng mua máy bay đã ký với Mỹ. Đầu tháng 7/2020, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) của Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã phê duyệt hợp đồng bán 8 trực thăng MV-22 Osprey và các thiết bị liên quan trị giá 2 tỉ USD cho Indonesia. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, ban lãnh đạo Indonesia tỏ thái độ không mấy hào hứng trước khả năng mua trực thăng MV-22 Osprey và các thiết bị liên quan trị giá 2 tỉ USD từ Mỹ.
Hai ngày sau thông báo của DSCA, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto mua vũ khí từ các nhà sản xuất vũ khí và xe quân sự địa phương, cụ thể là công ty sản xuất vũ khí thuộc sở hữu của nhà nước PT Pindad, công ty đóng tàu thuộc sở hữu của nhà nước đóng tàu nhà nước PT Pal và công ty xuất máy bay Dirgantara Indonesia (DI).
Các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Indonesia cũng tránh đề cập tới thỏa thuận mua máy bay Osprey và từ chối xác nhận liệu việc mua bán này có nằm trong kế hoạch của chính phủ hay không. Tổng Thư ký Bộ Quốc phòng, Trung tướng Ignatius Eko Djoko Purwanto cho biết việc mua máy bay Osprey không nằm trong kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ chính.
Lý giải về việc Indonesia “quay lưng” với vũ khí Mỹ, giới phân tích Indonesia cho biết, nước này đã đầu tư cho quan hệ song phương với Nga kể từ thời Tổng thống Megawati Soekarnoputri năm 2003. Mối quan hệ này hiện đang phát triển. Khởi đầu với việc Indonesia là bên mua các hệ thống vũ khí chính của Nga, hiện nay, hai nước đang đứng trước triển vọng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Ở chiều ngược lại, trụ cột trong mối quan hệ đối tác quốc phòng của Nga với Indonesia là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á vốn là những khách hàng mua vũ khí chính của Moscow.
Trong khi đó, đối với Mỹ, Indonesia chỉ là “mắt xích” trong chiến lược của Washington, việc bán vũ khí cho Jakarta chỉ để nhằm kiềm chế mối quan hệ chặt chẽ của Indonesia với Nga và Trung Quốc. Điều quan trọng hơn hết là Indonesia đã phải trả giá đắt khi bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí vào năm 1999. Sau đó, Indonesia đã quyết tâm hướng tới đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ niêm phong S-400 để nhận được F-35 của Mỹ?
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ dường như đã đạt được thỏa thuận quan trọng về việc Ankara “niêm phong” S-400 để nhận được máy bay F-35 của Washington theo kế hoạch ban đầu.
Đức Trí (lược dịch)