Indonesia: 'Công xưởng' mới của thế giới?
Tuần san L’Express của Pháp có bài ghi nhận hiện tượng này tại Indonesia, một trong những đầu tàu kinh tế của ASEAN, qua bài viết có tựa đề: “Indonesia: Đổ xô đến tìm thị trường giá rẻ”.
Tờ báo nhận định, Indonesia ngày càng có dáng dấp của một”công xưởng”mới của thế giới, bởi nhiều tập đoàn công nghiệp của châu Âu và thế giới đang đổ dồn đến thị trường này. Từ năm 2004, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhiều chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư nước ngoài, như đơn giản hóa thủ tục doanh nghiệp, thành lập các đặc khu kinh tế, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thuế khóa…
Kết quả là nhiều đại gia công nghiệp đã tìm đến Indonesia, trong đó có cả doanh nghiệp châu Á như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, doanh nghiệp đến từ Mỹ và châu Âu trong những lĩnh vực quan trọng như năng lượng, sản xuất ô tô, công nghệ viễn thông…
L’Express cho biết, từ nhiều tháng nay, quá trình này đã được Indonesia tiếp tục thúc đẩy nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với lợi thế là chính trị tương đối ổn định, kinh tế đang trên đà phát triển nhanh (tăng trưởng 6% năm kể từ năm 2007), nguồn tài nguyên dồi dào, thị trường tiêu thụ đầy hứa hẹn với 200 triệu dân. Ước tính, trong năm 2012, đầu tư nước ngoài tại Indonesia có thể đạt đến 25 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2011 và dự kiến đạt 33 tỷ USD vào năm 2014.
Tìm hiểu nguyên nhân Indonesia thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, L’Express cho biết, đó là do giá nhân công ở nước này còn rất thấp.Chẳng hạn như trong ngành may mặc, giá lao động tại Indonesia chỉ có 1,08 USD/ giờ, tức rẻ hơn 2 lần so với Trung Quốc và thấp hơn 30 lần so với Nhật Bản. Vì thế các nhà đầu tư đã bắt đầu rời khỏi Trung Quốc để tìm đến khai thác thị trường giá rẻ hơn ở Indonesia.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn bị thu hút bởi thị trường tiêu thụ đầy hứa hẹn của Indonesia với 200 triệu dân. Nhiều nhà đầu tư đến Indonesia không phải để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu sang thị trường khác, mà là tranh thủ khai thác thị trường tiêu thụ tại chính Indonesia. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu có thu nhập hơn 3.000 USD/ năm tại Indonesia hiện đang tăng nhanh, ước tính đến năm 2030 sẽ chiếm đến 1/3 dân số. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu tại Đông Nam Á nói chung cũng đang tăng nhanh, tạo thành một thị trường béo bở cho các nhà sản xuất.
Đầu tư nước ngoài tăng, Indonesia dĩ nhiên có nhiều lợi ích, nhất là có thể giải quyết được hồ sơ việc làm vốn là một cái gai đang làm nhức nhối các nước giàu có ở phương Tây. Tuy nhiên, L’Express cảnh báo hãy coi chừng kịch bản cuộc khủng hoảng năm 1997 tái diễn, theo đó các nhà đầu tư sẽ ra đi cũng vội vã như khi họ đến, do một số hạn chế của Indonesia như tham nhũng hoành hành khiến nhà đầu tư mất lòng tin,Ngoài ra cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế ở đó còn yếu kém, xu hướng đòi tăng lương gia tăng gây nên nguy cơ xung đột xã hội.