IMF hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu
IMF hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu
![]() |
Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde trong một bài phát biểu ở Woodrow Wilson - Nguồn CNN |
IMF, tổ chức tài chính toàn cầu với thành viên gồm 187 quốc gia, vừa trích dẫn bản Dự báo kinh tế thế giới bản mới nhất ra ngày thứ ba trước khi tổ chức cuộc họp mùa thu ở Washington vào tuần này.
IMF cho rằng tổng sản lượng kinh tế thế giới sẽ tăng 4% cho cả năm 2011 và 2012, thấp hơn mức 5.1% của năm 2010. Vào tháng 6, IMF đã dự báo tỉ lệ tăng trưởng ở mức cao hơn một chút là 4.3%.
Quỹ tiền tệ thế giới cũng giảm mạnh dự báo về tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay từ 2.5% theo dự báo hồi tháng 6 xuống 1.5%, đồng thời hạ thấp dự báo tăng trưởng cho năm 2012 từ 2.7% xuống 1.8%.
“Nhìn chung, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn,” Giám đốc qũy tiền tề IMF, Christine Lagarde nói trong một bài phát biểu vào tuần trước. “Đặc biệt, các nước phát triển đang hồi phục một cách yếu ớt và không ổn định, tỉ lệ thất nghiệp ở các nước này cao ở mức khó chấp nhận”.
Hy Lạp: Phải chăng đã đến hồi kết?
Trong khi dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiến lên một cách chậm chạp, IMF cho rằng có một vài nguy cơ có thể sẽ khiến Mỹ và châu Âu suy thoái trở lại.
Bà Lagarde đã thúc giục các nhà lãnh đạo toàn cầu phải có “hành động đoàn kết và táo bạo” để ngăn chặn các nền kinh tế chính rơi vào trì trệ.
Trong bản báo cáo của mình, IMF kêu gọi các nhà làm chính sách của Liên minh châu Âu nhanh chóng thực thi các biện pháp được đề xuất hồi tháng 7 để kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng Euro.
IMF cũng cho rằng các quốc gia trong khu vực đồng Euro phải cam kết thực thi các cải cách tài chính dài hạn và Ngân hàng Trung ương châu Âu nên hạ mức lãi suất nếu cuộc khủng hoảng còn tiếp diễn.
Thống nhất quan điểm chính trị về thuế và nợ
IMF thúc giục các quan chức Mỹ không nên cắt giảm chi tiêu quá mạnh để giảm thâm hụt ngân sách vì điều này có thể gây tổn thương sự hồi phục của nền kinh tế.
Theo báo cáo của IMF “Nguy cơ rất lớn là việc cắt giảm tài chính quá vội vàng sẽ khiến triển vọng phát triển kém đi mà không đem lại cải cách nào về dài hạn, cần phải có những cải cách tài chính dài hạn để giảm nợ ở mức độ bền vững hơn.”
Ngoài ra IMF còn cho rằng “Sự chia rẽ chính trị sâu sắc khiến cho việc ra chính sách của Mỹ là rất không chắc chắn”. Tháng trước, các nhà lãnh đạo tổ chức một cuộc tranh luận về thâm hụt ngân sách, tuy nhiên chính phủ vẫn chưa làm được gì nhiều để khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
IMF cho rằng Cục dự trữ liên bang, hiện đã bắt đầu một cuộc họp kéo dài hai ngày về vấn đề chính sách, nên chuẩn bị trợ giúp thêm cho nền kinh tế nếu tình hình trở nên xấu đi.”
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái bắt đầu năm 2008,nền kinh tế toàn cầu chịu hàng loạt cú sốc trong nửa đầu năm 2011.
Trận động đất và sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản đã làm gián đoạn nguồn cung và các biến cố chính trị ở các nước Ả rập hồi đầu năm đã làm cho giá dầu tăng mạnh.
Nhận định về các nước đang phát triển, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn ở mức cao, tuy nhiên kèm theo đó là các nguy cơ ngày càng tăng.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng với tỉ lệ rất cao là 9.5% trong năm nay. Nhưng dự báo về tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2012, IMF hạ mức dự báo từ 9.5% xuống 9%. Nguyên nhân là do IMF dự báo cầu nước ngoài sẽ giảm sút và chính phủ Trung Quốc sẽ ra các chính sách kiềm chế tăng trưởng kinh tế quá nóng.
Lê Dung
CNN