IAEA: Triều Tiên sắp chế bom nguyên tử
Trước đó, hồi tháng 4/2013, Triều Tiên đã ra thông báo về việc nước này sẽ khởi động lại lò phản ứng nghiên cứu 5 megawatt (MW) tại cơ sở hạt nhân Yongbyon, nhằm tăng năng lực phòng thủ. Theo đó, quốc gia cô lập coi chương trình hạt nhân quốc gia là "thanh gươm báu" để đối phó với thái độ thù địch của Mỹ.
"Chương trình hạt nhân của Triều Tiên hiện vẫn là mối lo ngại nghiêm trọng", Reuters trích nội dung trong bản báo cáo thường niên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc (IAEA).
Triều Tiên đã phá hủy tháp làm lạnh tại lò phản ứng Yongbyon hồi năm 2008. |
IAEA nhấn mạnh cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi mọi động thái của tổ hợp hạt nhân Yongbyon tại Triều Tiên qua hình ảnh vệ tinh.
"Kể từ hồi tháng 8/2013, IAEA đã quan sát và phân tích các hình ảnh vệ tinh, hơi nước cũng như dòng chảy nước làm lạnh của lò phản ứng 5 MW, cho thấy lò phản ứng này hiện vẫn duy trì hoạt động", IAEA cho biết.
Về lý thuyết, lò phản ứng Yongbyon đã ngừng hoạt động trong nhiều năm qua. Thậm chí, năm 2008, Triều Tiên còn cho phá hủy tháp làm lạnh sau cuộc thảo luận với Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga.
Vào thời điểm Bình Nhưỡng tuyên bố tái khởi động lò phản ứng Yongbyon, giới chuyên gia nhận định Triều Tiên sẽ phải mất khoảng nửa năm để vận hành lại lò phản ứng này trong trường hợp nó không bị hư hại nặng sau thời gian dừng hoạt động.
Cuối năm ngoái, Tổng giám đốc IAEA, Yukiya Amano cũng đưa ra tuyên bố rằng Triều Tiên có thể đang tìm cách để khởi động lại lò phản ứng nghiên cứu Yongbyon. Hồi tháng trước, Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh quốc tế Mỹ còn cho công bố các bức ảnh vệ tinh thương mại ghi lại từ tháng Sáu, cho thấy lò phản ứng Yongbyon của Triều Tiên đã được vận hành.
"Triều Tiên đã quyết định tái khởi động lò phản ứng 5 MW để sản xuất nhiên liệu plutonium chế tạo vũ khí hạt nhân cho tương lai. Tuy nhiên, do thiếu thông tin dữ liệu, việc dự đoán tình hình hoạt động của lò phản ứng và khối lượng plutonium mà nó tạo ra là vô cùng khó khăn", theo Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh quốc tế Mỹ.
Trong khi lâu nay, Bình Nhưỡng ca ngợi những bước tiến vượt trội trong chương trình phát triển hạt nhân thì phần lớn giới chuyên gia cho rằng quốc gia cô lập chưa thể đạt tới công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tích hợp trên tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba hồi tháng Hai, một số chuyên gia khẳng định Triều Tiên đã tiến rất gần tới công nghệ tích hợp đầu đạn hạt nhân trên tên lửa.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.