Hơn 700 người tị nạn Afghanistan trốn khỏi căn cứ quân sự Mỹ sau khi được sơ tán
Hơn 700 người tị nạn Afghanistan đã chủ động rời khỏi các căn cứ quân sự trên đất Mỹ sau khi được sơ tán khỏi quê hương hồi tháng Tám.
Hơn 700 người tị nạn Afghanistan đã rời khỏi các căn cứ quân sự của Mỹ sau khi được đưa đi sơ tán khỏi quê hương. Những người bỏ trốn với mục đích tự tìm đường sinh sống ở Mỹ, thay vì chờ đợi các thủ tục tái định cư.
Hôm 1/10, Reuters dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho hay chỉ riêng tại căn cứ Fort Bliss ở thành phố El Paso của bang Texas, hơn 300 người được báo cáo đã “rời đi một cách tự do”.
Căn cứ Fort Bliss là 1 trong 8 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Mỹ, nơi chính phủ của Tổng thống Joe Biden đưa 53.000 công dân Afghanistan tới tạm lánh sau khi thực hiện các chuyến bay sơ tán khỏi Afghanistan.
Người tị nạn Afghanistan sinh sống trong căn cứ quân sự Fort McCoy ở bang Wisconsin của Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Nhiều người tị nạn Afghanistan được đưa tới Mỹ dưới dạng “di dân theo chương trình nhân đạo” tạm thời. Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên lạc với các cơ quan tái định cư để hỗ trợ người tị nạn Afghanistan được tạo điều kiện thuận lợi tới sống trên đất Mỹ. Trên thực tế, hàng trăm người Afghanistan đã được tái định cư ở nhiều thành phố như Houston và Sacramento của bang California.
Theo Reuters, việc hàng trăm người tị nạn Afghanistan rời đi một cách tự do khỏi các căn cứ quân sự của Mỹ sẽ khiến họ không nhận được những ưu ái trong chính sách của chính phủ Mỹ, cũng như khiến họ gặp rắc rối với giấy tờ nhập cư.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh cũng không được đảm bảo bởi các quan chức thuộc chính phủ Mỹ trước đó cho biết, tất cả người tị nạn Afghanistan cần phải được kiểm tra an ninh và y tế bao gồm tiêm phòng vắc xin Covid-19 trong quá trình tạm sống trong các căn cứ quân sự của Mỹ.
Trước đây, các quan chức chính phủ Mỹ nhấn mạnh những người tị nạn Afghanistan rời khỏi các căn cứ quân sự Mỹ đều đã được kiểm tra an ninh trước khi đặt chân tới lãnh thổ Mỹ. Nhưng hiện không rõ đã có bao nhiêu người trong tổng số 53.000 người tị nạn được kiểm tra an ninh từ trước, trong lúc Mỹ gấp rút tiến hành sơ tán khỏi Afghanistan.
Trong giai đoạn Mỹ nhanh chóng cho sơ tán người khỏi Afghanistan, hàng trăm người được báo cáo đã thiệt mạng cùng hàng ngàn công dân Mỹ và người định cư lâu dài ở Afghanistan đã bị bỏ lại ở quốc gia Nam Á.
Các nguồn tin của Reuters cho hay, những người tự ý rời khỏi các căn cứ quân sự của Mỹ chủ yếu là người đã có “quan hệ” trên đất Mỹ như có người thân trong gia đình hoặc bạn bè ở Mỹ, cũng như có những nguồn lực khác hỗ trợ họ.
Những người tị nạn Afghanistan cũng đã được thông báo từ trước về việc nếu họ rời khỏi các căn cứ quân sự của Mỹ, họ sẽ không thể trở lại và mất quyền hỗ trợ làm giấy tờ nhập cư, cũng như phải trả tiền cho hành trình tới Mỹ.
Hồi tháng Tám, Thống đốc bang Nam Dakota là bà Kristi Noem đã từ chối cho phép người tị nạn Afghanistan tới sinh sống ở bang này, trước lo ngại về vấn đề an ninh không được đảm bảo trong quá trình Mỹ gấp rút sơ tán 130.000 người khỏi quốc gia Nam Á.
“Chúng tôi biết có rất nhiều đối tượng nguy hiểm ở đó muốn làm hại nước Mỹ”, bà Noem nhấn mạnh.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi được sơ tán tới các căn cứ quân sự Mỹ, một vài người tị nạn Afghanistan bị tình nghi đã phạm tội như quấy rối trẻ em và bạo hành.
Cụ thể, FBI đang tiến hành điều tra trước nghi vấn một nữ binh sĩ Mỹ ở căn cứ Fort Bliss đã bị một vài người Afghanistan tị nạn hành hung. Hay ở căn cứ Fort McCoy thuộc bang Wisconsin, một người tị nạn Afghanistan bị cáo buộc tấn công vợ ông ta, trong khi một người khác bị tình nghi đã tấn công tình dục 2 trẻ em.
Hôm 30/9, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết chính quyền của Tổng thống Biden sẽ không trục xuất những người tị nạn Afghanistan đang sống trên đất Mỹ mà không có giấy tờ hợp lệ, trừ khi họ phạm phải các tội nghiêm trọng hoặc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Trường dạy lái xe duy nhất cho phụ nữ Afghanistan nguy cơ đóng cửa dưới thời Taliban
Ngôi trường duy nhất đào tạo lái xe cho phụ nữ Afghanistan đang có nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn dưới thời Taliban lãnh đạo.
Minh Thu (lược dịch)