Hơn 20 nước EU lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nord Stream 2
Tờ Die Welt của Đức viết, đại diện của 24 nước Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối Mỹ liên quan đến kế hoạch đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2).
EU sẽ bảo vệ Nord Stream 2 khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ?
Hãng tin RIA viết, người Mỹ đang đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2), nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn kiên quyết bác bỏ.
Die Welt cho biết ý kiến phản đối được nêu ra trong hội nghị trực tuyến giữa phái đoàn EU với Bộ Ngoại giao Mỹ.
Dự án “Dòng chảy Phương Bắc 2”. (Ảnh: RIA) |
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng vào ngày 12/8 đã có một thông điệp ngoại giao về chính sách trừng phạt của Mỹ được nêu ra tại một hội nghị trực tuyến trong cuộc họp của phái đoàn EU với Bộ Ngoại giao Mỹ. Thông điệp ngoại giao này có sự tham dự của 24 quốc gia thành viên EU”, thông tin giới ngoại giao châu Âu cho biết.
Về nội dung, công hàm phản đối này lặp lại tuyên bố hôm 17/7 của ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, trong đó ông Borrell nói rằng EU quan ngại sâu sắc về tần suất sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Châu Âu, trong đó có liên quan đến các dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream).
Hoa Kỳ phản đối dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, vì họ muốn tìm cách áp đặt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình cho các quốc gia châu Âu. Vào cuối năm ngoái, các nhà chức trách Mỹ đã thông qua ngân sách quốc phòng cung cấp các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan đến việc đặt đường ống. Điều này buộc công ty Allseas của Thụy Sĩ phải từ bỏ công việc.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 8, các thượng nghị sĩ đã gửi một lá thư cho nhà điều hành cảng Sassnitz của Đức, thúc giục họ ngừng làm việc trên đường ống dẫn khí đốt. Nếu không, Mỹ đe dọa cảng Sassnitz sẽ phải đối mặt với “sự sụp đổ tài chính”.
Các thành viên Thượng viện do thượng nghị sĩ Ted Cruz đứng đầu bao gồm hai thượng nghị sĩ khác là Tom Cotton và Ron Johnson cảnh báo công ty Sassnitz, có trụ sở tại bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức), về những hậu quả nghiêm trọng liên quan vai trò của công ty này trong việc hoàn thiện hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Cảnh báo nêu rõ, nếu hỗ trợ việc lắp đặt đường ống, Sassnitz sẽ bị cắt đứt quan hệ thương mại và tài chính với Mỹ. Do vậy, công ty Sassnitz và cảng Mukran ở đảo Rügen cần phải chấm dứt ngay việc hỗ trợ cho dự án vốn bị chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối lâu nay.
Về phía Đức, hôm 11/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bày tỏ không đồng tình với các biện pháp hạn chế ngoài lãnh thổ của Mỹ đối với “Dòng chảy phương Bắc 2”. Bộ trưởng Đức khẳng định châu Âu có quyền lựa chọn nguồn năng lượng cho riêng mình.
Trước đó, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, lời đe dọa của Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga tới Đức là nhằm tạo sức ép với hoạt động thương mại của châu Âu, đồng thời cũng là hành động cạnh tranh không công bằng.
“Hành động trên sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực và là sức ép quá đáng với hoạt động thương mại của châu Âu mà các công ty Nga cũng tham gia”, cũng như “tiếp tục cuộc cạnh tranh không công bằng nhằm buộc châu Âu mua khí đốt đắt hơn với những điều khoản ít có lợi hơn”, ông Peskov nói.
Thanh Bình (lược dịch)