Hơn 10.000 người Italy tử vong vì Covid-19, TT Trump tính phong tỏa New York
Italy tiếp tục trải qua một ngày thảm họa với 889 người thiệt mạng vì Covid-19 trong 24 giờ qua. Số liệu CNN trích dẫn từ Tổ chức dân sự Italy Protezione tính tới hết ngày 28/3 cho thấy, hiện quốc gia nam Âu này có tổng cộng 92.472 ca nhiễm và 10.023 trường hợp tử vong do virus corona gây ra.
Bác sĩ Massimo Galli làm việc tại bệnh viện Sacco ở thành phố Milan nhận định rằng, số liệu ca nhiễm hiện nay ở Italy “chưa phản ánh đúng và con số thực tế cao hơn rất nhiều”. Riêng tại vùng Lombardy, mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt xét nghiệm y tế được tiến hành. Theo ông, số lượt xét nghiệm như vậy là quá thấp, trong khi vẫn còn “hàng ngàn người đang chờ được xét nghiệm tại nhà”.
Nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở vùng ngoại ô Rome, Italy. Ảnh: AP |
Số liệu Worldmeters cho thấy, Mỹ đã phát hiện thêm gần 17.000 ca dương tính Covid-19 trong ngày 28/3, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên hơn 121.000 trường hợp. Số ca thiệt mạng vì dịch ở nước này hiện là 2.020 người, tăng 324 người so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông đang xem xét việc áp lệnh cách ly trong hai tuần tại một số khu vực thuộc các bang New York, New Jersey và Connecticut. “Việc cách ly có thể sẽ được tiến hành. Tôi không muốn làm vậy, nhưng có lẽ chúng ta cần làm điều này”, Aljazeera dẫn lời ông Trump nói.
CNN trích thông báo của Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đã có thêm 272 ca nhiễm mới và 14 trường hợp tử vong do Covid-19 trong ngày 28/3, đưa tổng số người nhiễm tại quốc gia đông nam Á này lên 1.075 và số ca tử vong là 68 trường hợp.
Strait Times dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Singapore hôm 28/3 tuyên bố, nước này đã phát hiện thêm 70 trường hợp dương tính với Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 802. Trong số ca nhiễm mới được phát hiện, có 41 ca ‘nhập khẩu’ từng đi qua châu Âu, Bắc Mỹ, các quốc gia trong khối ASEAN.
AP dẫn lời chính quyền thủ đô Jakarta, Indonesia hôm 28/3 nói rằng, thành phố này sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm hai tuần nữa. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh thành phố này đã ghi nhận thêm 603 ca nhiễm mới và 62 trường hợp tử vong trong tuần này. Ngoài ra, hiện có 61 cán bộ y tế tại nơi đây đã nhiễm Covid-19 khi tham gia chữa trị cho các bệnh nhân.
Kyodo dẫn lời chính quyền thành phố Tokyo thông báo, ngày 28/3 đã ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục tại thành phố này khi có thêm 63 trường hợp dương tính với Covid-19 được phát hiện, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại Tokyo lên 362 trường hợp. Ngoài ra, chính quyền tỉnh Chiba nằm sát thành phố Tokyo cùng ngày cũng đã ghi nhận thêm 57 ca nhiễm Covid-19.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo, chính phủ sẽ đưa ra gói hỗ trợ kinh tế nhằm giúp nền kinh tế nước này đương đầu với đại dịch Covid-19, và Nhật Bản đang dần tiến tới thời điểm công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đang tiếp tục tăng mạnh. “Nhật Bản đang trong thời điểm khó khăn. Chúng ta cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài”, Reuters trích lời phát biểu hôm 28/3 của ông Abe.
Thủ tướng Nhật Bản thông báo gói hỗ trợ kinh tế nước này hôm 28/3. Ảnh: Reuters |
The Hill dẫn lời Chánh văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun nói rằng, nước này sẽ kéo dài lệnh đóng cửa các trường học, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và nhiều hoạt động giải trí khác cho tới ngày 20/4. “Chúng ta sẽ không bàn bạc về bất cứ điều gì liên quan tới việc nới lỏng các lệnh hạn chế cho tới ngày 20/4, và tới lúc đó tất cả các biện pháp sẽ được giữ nguyên”, ông Braun nói.
“Nếu chúng ta có thể kiềm chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh, khiến số ca nhiễm sẽ mất từ 10, 12 hoặc nhiều ngày hơn nữa để tăng gấp đôi, thì lúc đó chúng ta biết chúng ta đã đi đúng hướng (trong việc ngăn Covid-19 tiếp tục lây lan)”, ông nói thêm.
Reuters trích dữ liệu bản báo cáo của Cơ quan Đầu tư Ấn Độ cho biết, nước này sẽ cần ít nhất 38 triệu khẩu trang, và 6,2 triệu dụng cụ y tế trong bối cảnh số ca nhiễm ở quốc gia nam Á này đang tăng lên, cũng như lực lượng y tế tại tuyến đầu chống Covid-19 của nước này luôn than phiền về tình trạng thiếu các trang thiết bị y tế.
Tại cơ sở điều trị Covid-19 ở bang Bihar miền đông Ấn Độ, các bác sĩ ở đây không được trang bị các thiết bị bảo hộ y tế cần thiết nên họ rất e ngại khi đi vào khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19.
“Chúng tôi không chạy trốn cuộc khủng hoảng này, nghĩa vụ của chúng tôi là cứu người. Nhưng chúng tôi yêu cầu chính phủ cung cấp cho chúng tôi các trang thiết bị bảo hộ y tế”, Reuters dẫn lời bác sĩ Ravi R.K Raman làm việc tại đây nói.