Hơn 10 nghìn người được tư vấn về bệnh tan máu bẩm sinh
Bác sỹ Trung tâm Thalassemia đang tư vấn về bệnh Tan máu bẩm sinh cho người dân |
Đặc biệt trong số trên 10 nghìn người đó có rất nhiều cặp đôi là các bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình và các bà mẹ trẻ có kế hoạch sinh con. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia cho biết: "Chúng tôi rất mừng vì số người dân đến nghe tư vấn về bệnh Tan máu bẩm sinh ngày càng tăng, điều đó chứng tỏ nhận thức của người dân về bệnh Tan máu bẩm sinh ngày càng được nâng cao. Rất nhiều người được tư vấn đã có kết quả tốt, cụ thể là đã sinh ra những đứa con khỏe mạnh bình thường."
TS Hà cho biết thêm, trong những năm gần đây, người bệnh đã tuân thủ khá tốt phác đồ điều trị, đi viện đều, từ đó sức khỏe của họ đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể là nhiều bệnh nhân nhi mắc Tan máu bẩm sinh không bị biến dạng khuôn mặt và các biến chứng phụ khác như những bệnh nhân trước đây.
Cũng trong năm 2018, Trung tâm Thalassemia cũng đã đón tiếp gần 7 nghìn lượt bệnh nhân đến điều trị ngoại trú, tăng 114% so với năm 2017 và số lượng bệnh nhân hiện đang quản lý là trên 3.500 bệnh nhân tăng 123% so với năm 2017.
Thalassemia là bệnh máu di truyền có ở cả nam và nữ. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, người bị bệnh Thalassemia thường chậm phát triển thể chất, có nhiều biến chứng do tình trạng thiếu máu và quá tải sắt gây ra. Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng suốt đời. Do đó, bệnh nhân Thalassemia phải chịu rất nhiều thiệt thòi, điều trị gian nan, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, gia đình và toàn xã hội.
Theo thống kê, ở nước ta, ước tính có khoảng 12 triệu người đang mang gen bệnh (chiếm khoảng 12% dân số Việt Nam), mỗi năm có trên 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh, trong đó có hơn 2.000 trẻ mắc bệnh ở mức độ nặng cần được điều trị cả đời, hơn 20.000 bệnh nhân đang cần được điều trị. Phác đồ điều trị cơ bản là truyền máu (truyền khối hồng cầu) và thải sắt.
Hiện nay, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện sớm các bệnh tật bẩm sinh còn chưa phổ biến do nhận thức của cộng đồng còn thấp. Vấn đề cấp thiết là cần bắt buộc việc sàng lọc trước hôn nhân và sàng lọc trước sinh đối với bệnh Thalassemia vì đây là một trong những căn bệnh bẩm sinh phải sàng lọc.
Đặc điểm di truyền của bệnh Thalassemia là: Nếu 2 người mang gene Thalassemia kết hôn với nhau, khi sinh con có 25% khả năng bị bệnh Thalassemia, do nhận cả 2 gene bệnh của bố và mẹ truyền cho, 50% khả năng con mang gene bệnh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, thực hiện tốt việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám tiền sản sẽ giảm thiểu được rất nhiều bệnh nhân mắc Thalassamia ra đời.