Hội nhà báo các cấp chủ động ngăn chặn và xử lý vi phạm đạo đức báo chí
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2017 của Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 22/4/2017, bà Hà Kim Chi, Phó trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong năm 2016 số vụ người làm báo vi phạm pháp luật, đã bị pháp luật xử lý, Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo hoặc cách chức vụ quản lý trong số đó rất ít người là hội viên, tỷ lệ hội viên vi phạm rất ít.
Ví dụ, Báo Công thương Văn phòng đại diện Hải Phòng trong 3 người bị xử lý chỉ có 1 hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Theo số liệu của Cục Báo chí, hiện có 380 văn phòng đại diện và cơ quan thường trú; 380 phóng viên thường trú chính danh và hàng trăm phóng viên không chính danh.
Bên cạnh thẻ hành nghề do Bộ TT&TT cấp, nhà báo sinh hoạt hội, tự nguyên gia nhập nhập hội còn có thẻ hội viên, thêm một lực lượng can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm báo. Nhiều người chưa được cấp thẻ nhà báo vì lý do không làm báo chuyên nghiệp, cần có thẻ hội viên nhà báo, nhiều cơ quan ban ngành cũng chấp nhận như là thẻ hành nghề, cảnh sát giao thông dễ dàng thông cảm, bỏ qua những vi phạm cho những người làm ở các cơ quan báo chí.
Do vậy, các cấp hội có vai trò rất lớn trong ngăn chặn và xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đặc biệt phải tăng cường quản lý hội viên, xem xét đầu vào khi xét kết nạp hội viên. Theo quy định hiện nay yêu cầu phải có chữ ký của Trưởng ban kiểm tra (đối với hội nhà báo tỉnh và liên chi hội trực thuộc trung ương), của người phụ trách kiểm tra đối với các chi hội trực thuộc trung ương. Quy định này đề cao trách nhiệm của người làm công tác kiểm tra. Mục đích của kiểm tra là để hướng dẫn, hội viên thực hiện đúng điều lệ, đúng quy định của pháp luật; ghi nhận đánh giá kết quả hoạt động của hội viên và xử lý kịp thời những vi phạm.
Theo bà Hà Kim Chi, năm 2017 Ban Kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra theo điều lệ, Ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra một số tổ chức của Trung ương và địa phương. Nhằm góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nhà báo trong quản lý và xây dựng đội ngũ những người làm báo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Theo số liệu của Ban Kiểm tra, năm 2016 thông qua công tác rà soát cấp, đổi thẻ hội viên chất lượng hội viên được nâng lên. Qua sàng lọc từ chỗ trên 24.350 hội viên, số lượng hội viên đủ điều kiện thực tế được phát thẻ còn 19.323. Công tác bảo vệ hội viên khi tác nghiệp, xử lý đơn thư khiếu nại, khiếu kiện được quan tâm. Trong năm 2016 có 6 vụ nhà báo, phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi đến các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo và làm rõ vụ việc.
Số lượng đơn thư gửi đến Ban Kiểm tra các cấp đã thể hiện sự tin tưởng của công chúng, của độc giả, của hội viên cao hơn trước. Nhiều thắc mắc, khiếu nại đã được giải quyết từ cơ sở nên đơn thư vượt cấp gửi về Trung ương giảm 25,9% so với năm 2015. Tính đến 31/12/2016, Ban Kiểm tra đã tiếp nhận trên 40 đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết, tất cả được xử lý kịp thời đúng quy định. Trong đó có 6 đơn thư liên quan đến bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên, 8 đơn thư khiếu nại hội viên vi phạm đạo đức tác nghiệp, 26 đơn thư khiếu nại thông tin trên báo chí không chính xác.
Mặc dù hoạt động công tác kiểm tra trên toàn hệ thống các cấp hội nhà báo được đánh giá đã đi vào nề nếp, hoạt động có chất lượng, thiết thực và hiệu quả. Tuy nhiên, Hội Nhà báo Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm còn tồn tại như: Nhiều Hội nhà báo, liên chi hội, chi hội chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra, đặc việt là công tác học tập, rèn luyện, ngăn chặn, nhắc nhở và tổ chức kiểm tra cụ thể từng lĩnh vực, do đó hoạt động kiểm tra. Còn nhiều Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Hội nhà báo Việt Nam chưa quan tâm đến công việc được giao nên hoạt động chung còn nhiều hạn chế. Cơ quan thường trực là Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2016 chưa tổ chức kiểm tra tại các tỉnh, thành phố, liên chi hội, chi hội theo kế hoạch của năm.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam và hệ thống kiểm tra toàn hội là phải tập trung cao đội cho việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp tỉnh và tương đương theo Quyết định số 533 của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Chủ động tích cực hướng về cơ sở để thực hiện tốt chức trách góp phần nâng cao ý thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của người làm báo Việt Nam.