Hội đồng trao giải Nobel Hòa Bình bị điều tra
Hội đồng trao giải Nobel Hòa Bình bị điều tra
![]() |
Ủy ban giải Nobel Hòa bình bị cáo buộc đi quá xa tiêu chí của người sáng lập, ông Alfred Nobel, khi trao giải Nobel Hòa bình năm 2009 cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Theo AP, cuộc điều tra được tiến hành sau khi một nhà nghiên cứu người Na Uy liên tục phàn nàn rằng mục tiêu ban đầu của giải là giảm thiểu vai trò của các cường quốc quân sự trong quan hệ quốc tế.
Theo Mikael Wiman, một chuyên gia về luật của Ban hành chính cấp tỉnh Stockholm cho hay nếu ban này nhận thấy nguyện vọng của nhà sáng lập giải, ông Alfred Nobel, không được tuân theo, thì ban này này có quyền rút lại các quyết định trao giải từ 3 năm trước – mặc dù điều đó ít khả năng xảy ra và chưa có tiền lệ.
Năm 2009, ông Obama giành giải Nobel; năm 2010 người bất mãn với chính quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đoạt giải và giải Nobel Hòa Bình năm ngoái được chia sẻ giữa Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee - cũng là người Liberria và Tawakkul Karman của Yemen.
Năm nay, những ứng cử viên của giải này là nhà hoạt động nhân quyền của Nga Svetlana Gannushkina, cựu thủ tướng Ukraina Yulia Tymoshenko và các nhà hoạt động nhân quyền Cuba Oswaldo Paya và Yoani Sanchez.
Ủy ban của giải không bình luận về các ứng cử viên nhưng nhấn mạnh rằng việc được đề cử không nói gì nhiều về cơ hội đoạt giải của ứng cử viên.
Fredrik Heffermehl, một nhà nghiên cứu và phản biện về quy trình lựa chọn của giải cho hay: “Ngài Nobel coi giải thưởng này là sự chiến thắng của hòa bình”.
“Và điều không thể tranh cãi là ông coi phong trào hòa bình, tức là sự phát triển năng động của luật pháp và thể chế quốc tế, là một trật tự toàn cầu trong đó các quốc gia có thể giảm lượng vũ khí quốc gia của mình một cách an toàn”, ông nói.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Ủy ban trao giải do Quốc hội Na Uy chỉ định đã mở rộng phạm vi của giải thưởng bao gồm cả những người hoạt động vì môi trường, nhân đạo và các đóng góp khác.
Ví dụ như, giải thưởng vào năm 2007 đã được trao cho nhà hoạt động về khí hậu Al Gore và Ủy ban biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc và vào năm 2009, ủy ban trao giải đã chọn Obama vì “những nỗ lực phi thường” trong việc thúc đẩy ngoại giao quốc tế.
“Các bạn có thể nào nhìn nhận ông Obama là người từ bỏ quân đội để phục vụ cho ngoại giao quốc tế không?” ông Heffermehl đặt câu hỏi.
Vào năm 1895, nhà tư bản và là nhà phát minh người Thụy Điển, Nobel chỉ hướng dẫn một cách chung chung trong di chúc của mình rằng giải thưởng này nên vinh danh “hoạt động vì tình hữu nghị giữa các quốc gia, vì mục tiêu hủy bỏ hoặc cắt giảm quân đội và vì việc duy trì cũng như thúc đẩy các đại hội hòa bình”.
Ông Nobel di chúc rằng giải hòa bình nên do Ủy ban Na Uy trao giải còn các giải Nobel khác thì do các Ủy ban trao giải Nobel của Thụy Điển trao. Hai quốc gia Scandinavia này vào thời điểm đó là một liên minh.
Geir Lundestad, thư ký của Ủy ban Nobel Na Uy đã phản bác lại lập luận của ông Heffermehl.
“Việc chống lại biến đổi khí hậu chắc chắn liên quan mật thiết đến tình hữu nghị giữa các quốc gia. Thậm chí điều đó còn liên quan đến sự sống còn của một số quốc gia”, ông nói.
Tuy vậy, Ban hành chính cấp tỉnh Stockholm vẫn quyết định gửi một bức thư đến Tổ chức sáng lập giải Nobel trụ sở ở Stockholm phụ trách quản lí tiền trao giải, yêu cầu trả lời chính thức các cáo buộc trên.
“Chúng tôi không có cơ sở gì để kết luận rằng họ không làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng chúng tôi muốn điều tra”, ông Mikael Wiman nói.
“Ủy ban giải thưởng phải luôn điều chỉnh các tiêu chuẩn theo tình hình xã hội ngày nay. Tuy nhiên, hoạt động hòa bình phải là điều cốt lõi, nó không thể bị chệch hướng quá nhiều”, ông khẳng định.
Tùng Lâm