Học sinh tiểu học làm bài tập đặt câu có hình ảnh so sánh, cô giáo đọc xong hốt hoảng: Đừng để mẹ thấy!
Vì quá ngây thơ và chân thật mà trong bài tập đặt câu, em học sinh này vô tình tiết lộ luôn cả 'bí mật' về mẹ.
Có một cách giải trí đảm bảo muộn phiền nào cũng tan trong giây lát, đó là đọc bài làm của học sinh tiểu học. Bạn còn nhớ những câu văn có một không hai này chứ: "Người ta đầu bóng vì vuốt keo còn bố em đây đầu bóng vì lâu ngày chưa gội"; "Hằng ngày bố chỉ kiếm tiền rồi nằm ườn ra... em còn phải đút xoài cho bố"…
Tập làm văn đã thế, đặt câu tiếng Việt cũng không khá hơn. Khi được yêu cầu đặt 1 câu có hình ảnh so sánh, học sinh này chọn mẹ làm nhân vật chính để viết. Tuy nhiên, không phải là những câu hoa mỹ, lung linh dạt dào tình yêu mà "trần trụi" đến phũ phàng:
Mẹ em dữ như sư tử!
Hẳn là học trò này có mẹ nghiêm khắc lắm đây nên mới sử dụng hình ảnh sư tử để nhắc về mẹ mình. Em không nói xấu mẹ. Em chỉ nói thật. Nhưng mà cách so sánh của em thì đúng là khiến mẹ ngỡ ngàng quá!
Mẹ thì chắc giận tím mặt nhưng dân tình thì cười ná thở: "Ý không được đẹp nhưng con làm đúng mẫu câu và miêu tả khá chân thực về mẹ"; "Gieo vần tốt đó chứ, dữ như CỌP thì nghe không thuận lắm!"; "Câu không hay nhưng em nó vẫn đặt đúng ngữ pháp luôn. Cô hẳn phải nhắc nhẹ: "Đừng cho mẹ biết"; "Câu văn hay mà! Vừa đúng về ngữ pháp vừa chuẩn về ngữ nghĩa"...
Cũng có không ít bà mẹ... giật mình vì "nguy cơ con sẽ tả mẹ như vậy". Quả thực, trong mắt những đứa trẻ, mẹ dịu dàng thương yêu con nhưng cũng không tránh được những lúc "nổi đóa", nghĩ tới thôi đã thấy sợ hãi.
Mà dường như những đứa trẻ rất thích so sánh mẹ với… sư tử. Trước đó, dù yêu mẹ nhưng một cậu học trò nọ cũng tả mẹ như "sư tử Hà Đông". Mở đầu bài viết, cậu bé thổ lộ, trong mắt mình: "Mẹ là một đóa hoa hồng; Mẹ là sư tử Hà Đông".
Sau đó là những dòng kể xấu mẹ: "Mẹ của em năm nay ngoài 35 tuổi. Mẹ em xinh đằm thắm và rất thông minh. Câu hỏi về kiến thức nào mẹ em cũng giải quyết được. Thế nhưng, mẹ em rất nghiêm khắc, có phần ghê gớm. Trong mắt em, mẹ em ác hơn dì ghẻ, dữ hơn cả mụ phù thủy và giống như sư tử sẵn sàng vồ em mỗi lần em phạm sai lầm. Sau này em thà FA còn hơn lấy một người vợ nghiêm khắc như mẹ, thế thì cuộc đời có mà chết".
Theo tìm hiểu, bài văn được chính người mẹ chia sẻ lên mạng xã hội. Vị phụ huynh cho hay: "Nó bảo con sẽ viết bài văn tả mẹ bằng ngôn ngữ chất và đắt nhất. Đây là lần đầu mình đăng bài, vì muốn chia sẻ một bài văn có phần già trước tuổi của con trai học lớp 4".
Trước đó, cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thanh Huyền (quận Nam Từ Liêm) cũng "té ngửa" khi cậu con tả về gia đình có đoạn: "Mẹ em làm nghề quảng cáo, chuyên thích lượn ngoài đường, không thích ở nhà, suốt ngày go on facebook và lười làm việc nhà". Chị kể lại, khi đọc cho cả nhà nghe, bà nội vỗ tay đen đét "Quá đúng! Quá đúng!" mà không ai nhịn được cười.
Trẻ con luôn tả những thứ chân thật mình nhìn thấy. Qua ánh nhìn của những đứa trẻ, người lớn lắm khi phải ôm bụng cười và cảm thấy bản thân cũng như trẻ lại. Tuy vậy, với người lớn được "may mắn" trở thành nhân vật chính thì chưa chắc.
Bài văn ‘bóc phốt’ bà nội thời công nghệ của học sinh tiểu học khiến ai nấy cười như nắc nẻ
Dù “nói xấu” là thế nhưng người cháu này vẫn dành tình cảm yêu quý cho người bà của mình.
Theo nhipsongviet.toquoc.vn