Học sinh 13 tuổi phát minh thiết bị phát hiện khí ô nhiễm, 6 năm sau lộ "nhân vật bí ẩn" phía sau
Phát minh của học sinh 13 tuổi khiến mọi người vừa kinh ngạc vừa thán phục trước một nhân tài hiếm có, hy vọng rằng những đóng góp của cậu bé sau này có thể phục vụ cho đất nước và xã hội.
Năm 2015, truyền thông tỉnh Hợp Phì (Trung Quốc) đưa tin về một học sinh trung học 13 tuổi, Lưu Di Dương, đã phát minh ra một thiết bị cao cấp có thể nhận dạng nhanh khí ô nhiễm. Sự kiện gây xôn xao dư luận, mọi người vừa kinh ngạc vừa thán phục trước một nhân tài hiếm có, hy vọng rằng những đóng góp của cậu bé sau này có thể phục vụ cho đất nước và xã hội.
Thời điểm công bố, phát minh của Lưu Di Dương đã giành được một số giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Với sáng chế của mình, cậu bé dễ dàng được một trường trung học trọng điểm ở địa phương nhận là học sinh danh dự.
Gần đây, một số người mới phát hiện ra rằng phát minh của Lưu Di Dương hóa ra là một sản phẩm sao chép. Từ kiểu dáng cho đến cơ chế hoạt động của chiếc máy do Lưu Di Dương sáng tạo đều phù hợp với một sáng chế năm 2012 của Viện nghiên cứu Hợp Phì thuộc Viện khoa học Trung Quốc. Đáng kinh ngạc hơn, viện phó của viện nghiên cứu - người phụ trách dự án nghiên cứu khoa học này tên là Lưu Kiến Quốc, trùng hợp chính là bố của Lưu Di Dương.
Theo một số người tìm hiểu và phát hiện được, không chỉ riêng thiết bị phát hiện khí ô nhiễm gây ra tranh cãi, vào năm 2018, Lưu Di Dương còn được cấp bằng sáng chế quốc gia khi phát minh ra hệ thống kiểm tra bằng laser phát hiện người lái xe say rượu. Sáng chế tiếp tục trùng hợp với hệ thống giám sát người say rượu do ông Lưu Kiến Quốc công bố vào năm 2011.
Sau khi vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ dư luận, giáo viên hướng dẫn của Lưu Di Dương lên tiếng cho biết, việc ông Lưu Kiến Quốc tham gia vào quá trình nghiên cứu của Lưu Di Dương là có thật, nhưng ông chỉ đóng vai trò cố vấn, không thể gọi các sáng chế của học sinh này là "sao chép" được.
Trước sự việc này, vào ngày 26/10, ông Lưu Kiến Quốc đã trả lời truyền thông rằng: “Đừng chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài, mọi người hãy xem sự khác biệt".
Đến ngày 27/10, Viện Khoa học Hợp Phì cũng đã ban hành một tuyên bố cho biết họ đã nhận được nhiều lời phàn nàn và đang tiến hành điều tra sự việc.
Nhiều nhận xét cho biết, việc Lưu Di Dương có bố làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ rõ ràng là một lợi thế, có thể hỗ trợ cho cậu định hướng phát triển khả năng tư duy và nghiên cứu. Tuy nhiên việc này khác hoàn toàn so với việc bố của cậu học sinh cho con sao chép lại kết quả nghiên cứu của nhóm mình và dùng nó để đi thi, được cấp bằng sáng chế.
Hành động của ông Lưu Kiến Quốc cũng như con trai Lưu Di Dương hiện đang bị dư luận chỉ trích kịch liệt, cho rằng đó là hành vi lừa đảo trắng trợn, không thể chấp nhận được. Thực tế, hiện tượng bố mẹ dùng nhiều cách thức khác nhau để can thiệp, giúp đỡ con trong học tập và thi cử không phải là hiếm.
Với mong muốn con cái có thành tích cao, nhiều phụ huynh không tiếc tiền của và sức lực, sẵn sàng giúp con "trải đường", mang đến cho đứa trẻ ảo tưởng và giá trị không tương xứng. Họ vẫn cho rằng làm vậy là không sai, tuy nhiên, kết quả mà con họ có được là không công bằng cho những học sinh khác đang nỗ lực ngày đêm bằng chính sức lực của mình.
Chưa kể đến những hệ lụy sau này, khi các "thiên tài nhân tạo" trở thành lực lượng chủ chốt của đất nước và phải tự thân vận động nhưng bản thân lại không có đủ cả tài lẫn đức, chắc chắn đó là một tương lai không hề tốt đẹp.
Những phát minh hài hước chiến thắng giải Ig Nobel 2021
Thí nghiệm lật ngửa tê giác là một trong những nghiên cứu khoa học đoạt giải Ig Nobel, đúng với tiêu chí 'đầu tiên khiến con người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ'.
Theo phapluat.suckhoedoisong.vn