Học giả Đài Loan lật tẩy âm mưu ‘kích động’ của Trung Quốc
Chiếc tàu cá đã bị trúng đạn của lực lượng tuần duyên Philippines |
Ngày 10/5, chỉ một ngày sau sự cố Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines nổ súng vào một tàu đánh cá của Đài Loan khiến một ngư dân thiệt mạng ở vùng biển phía Bắc Philippines, Trung Quốc đã tỏ ra rất nhanh nhẹn trong việc lợi dụng sự việc này với mưu đồ gián tiếp đẩy căng thẳng giữa 2 bên lên cao hơn nữa.
Sự việc xảy ra hôm 9/5 đang gây tranh cãi khá gay gắt giữa Đài Loan và Philippines. Manila chấp nhận điều tra theo yêu cầu của Đài Loan nhưng cương quyết không xin lỗi vì theo báo cáo của lực lượng tuần duyên Philippines, tàu cá Đài Loan xâm nhập hải phận nước này và không chấp hành yêu cầu rời khỏi vùng biển của Philippines.
Trong khi đó, với lời lẽ “bi thiết và nặng tình dân tộc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc việc Philippines nhiều lần sử dụng vũ lực đối với ngư dân tay không tấc sắt” và “kịch liệt lên án hành động dã man” của Manila.
Chưa hết, cũng trong ngày 10/5, phát ngôn viên của Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Nghị cũng lên tiếng “kịch liệt lên án hành động của Philippines” và gửi lời “chia buồn tới đồng bào Đài Loan”.
Điều nực cười là những nhân vật này khi lên tiếng tuyên bố về sự cố giữa Philippines và Đài Loan dường như đã không hề nhớ họ đã nói gì khi phản ứng trước việc bị Việt Nam tố cáo tàu chiến Trung Quốc bắn cháy một tàu cá của ngư dân Việt Nam cũng trong tình trạng “tay không tấc sắc”. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã có những tuyên bố rất ngang ngược, thể hiện sự bất chấp đạo lý một cách trắng trợn khi cho rằng việc bắn tàu cá Việt Nam là ‘chính đáng và cần thiết’ hay trơ tráo hơn nữa khi cho rằng đó là hành động “nhằm dạy cho ngư dân Việt Nam một bài học”.
Dàn đồng ca trơ trẽn chối tội bắn tàu cá Việt Nam của Trung Quốc
Trong bài bình luận ra ngày 10/5, tờ “Thời báo Hoàn cầu” – một phụ san tiếng Anh của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc – đã không bỏ lỡ “cơ hội ngàn vàng” này.
Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng, “vụ tấn công của Philippines là một hành động trả thù của Manila sau cuộc đọ sức giữa hạm đội Hải giám của Trung Quốc với tàu tuần duyên của Philippines hồi tháng 4 năm ngoái tại bãi cạn Scarborough”. Với giọng điệu hiếu chiến quen thuộc và âm mưu kích động để gây căng thẳng, tờ báo này đã kêu gọi gia tăng áp lực quân sự tại Biển Đông.
Tuy nhiên, những mưu tính của “ngư ông” Bắc Kinh không che mắt được công luận và giới chuyên gia Đài Loan. Giáo sư Lân Trung Bân – chuyên gia về quan hệ với Trung Quốc đồng thời là cựu Thứ trưởng quốc phòng, hiện đang giảng dạy tại ĐH Tam Cương – cho rằng, Trung Quốc dùng chiêu bài “lên án Philippines” để thuyết phục và lôi kéo người dân Đài Loan vào một mặt trận chung trên Biển Đông. Theo ông, từ năm 2008, nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bắt đầu áp dụng chiêu bài này bằng tuyên bố “bảo vệ quyền lợi đồng bào Đài Loan là ưu tiên số 1”.
Đài Loan đã cử 4 tàu tuần duyên và quân sự đến vùng biển tranh chấp. |
Phát biểu với đài RFI, giáo sư Lâm Trung Bân cho biết, Bắc Kinh rất thành thạo trong việc triển khai chiến lược toàn diện và có nhiều kế hoạch đối phó với tình hình tại biển Hoa Đông và Biển Đông. “Vào lúc Trung Quốc bố trí 1.800 tên lửa hướng vào Đài Loan thì tướng La Viện vẫn còn rất trịch thượng tuyên bố rằng Trung Quốc và Đài Loan nên hợp sức để bảo vệ chuỗi quần đảo trên biển Hoa Nam (Biển Đông)”, ông Lâm Trung Bân nói. Tướng La Viện – viên tướng từng có lần chủ chiến đòi đánh Việt Nam còn bình luận rằng nếu đảo Thái Bình (đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) bị Việt Nam và Philippines “xâm lấn” thì quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp.
Giáo sư Vương Minh Hiền – Giám đốc học viện Chiến lược và Quốc tế - cũng tán đồng với quan điểm của ông Lâm Trung Bân. Ông cho rằng vụ đụng độ có đổ máu giữa Đài Loan và Philippines là một cuộc khủng hoảng nhưng cũng là cơ hội để Đài Loan xây dựng một chiến lược quốc phòng mới vừa đủ sức để bảo vệ Đài Loan vừa tăng cường ổn định khu vực.
Mới đây, Trung Quốc cũng tỏ ra vô cùng tức tối khi thấy Đài Loan đã “không nương theo ý mình” trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Ngày 10/4 vừa qua, Đài Loan đã ký thỏa thuận về hợp tác đánh bắt cá trong vùng tranh chấp với Nhật Bản. Rõ ràng, Bắc Kinh rất lo sợ bị cô lập và đặc biệt hơn cả là mất một cơ hội để “đục nước béo cò”.