Họa sĩ của Charlie Hebdo tố lãnh đạo thế giới "đạo đức giả"
Theo Daily Mail, họa sĩ biếm họa Renald 'Luz' Luzier, người may mắn thoát chết do đến tòa soạn muộn, đã lần đầu tiên trả lời phỏng vấn báo chí sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris hôm 7/1. Vụ xả súng ở Charlie Hebdo đã cướp đi sinh mạng của 5 họa sĩ hàng đầu của tạp chí châm biếm.
Trong buổi ghi hình phỏng vấn ngay tại căn hộ của mình, ông Luz tỏ ra vô cùng mệt mỏi và buồn bã. Họa sĩ Luz nói: "Hiện giờ, nhiều họa sĩ biếm họa tại Pháp không còn dám vẽ những chủ đề có thể khiến một nhóm người trên thế giới phản đối. Nhưng nếu chúng ta đứng trên quan điểm và vị trí của cả thế giới, chúng ta chỉ có thể xé nát những bức vẽ của mình. Mọi thứ sẽ chấm hết".
Họa sĩ biếm họa Renald 'Luz' Luzier là người may mắn sống sót trong vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo hôm 7/1. |
Liên quan tới chiến dịch mang tính mang tên "Je Suis Charlie" (Tôi là Charlie) với hàng triệu người dân và lãnh đạo thế giới tham dự, họa sĩ Luz đã lên tiếng chỉ trích thói "đạo đức giả" của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Theo Luz, mặc dù chiến dịch này mang ý nghĩa ủng hộ quyền tự do ngôn luận nhưng thực chất, chính tại nhiều nước quyền tự do báo chí đang bị kiểm soát.
Ông nói: "Khi nhìn thấy một đại diện từ Ả Rập Xê-út, quốc gia đã tuyên án 10 năm tù giam với blogger Badawi, thì thật là đáng buồn. Họ không phải là Charlie bởi Ả Rập Xê-út đã tống giam blogger Badawi và đánh đập ông ấy. Đó không phải là Charlie. Điều đó làm tôi cảm thấy buồn".
Nói về sự may mắn thoát chết chỉ trong gang tấc trong vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo, ông Luz nói: "Ngày 7/1 là ngày sinh nhật của tôi và tôi đã nán lại với vợ mình lâu hơn mọi ngày".
Theo ông Luz, vợ ông đã chuẩn bị cho ông vài cái bánh và cốc cà phê để mừng ngày sinh nhật. Do đó, ông đã tới muộn buổi họp vào sáng ngày 7/1.
Cuộc tuần hành của các nhà lãnh đạo thế giới sau vụ tấn công tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris. |
Khi mới đặt chân tới tòa soạn, mọi người đã yêu cầu ông Luz không bước vào trong tòa nhà bởi 2 tay súng vừa mới tiến vào bên trong.
"Chúng tôi đã cố tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra. Chúng tôi không thể vào bên trong tòa soạn và cảm thấy có gì đó rất lạ. Sau đó, chúng tôi đã nghe thấy những tiếng súng nổ đầu tiên", ông Luz chia sẻ.
Sau khi các tay súng rời bỏ hiện trường, ông Luz đã tiến vào tòa soạn. "Tôi bước lên cầu thang và nhìn thấy các vết máu. Tôi biết rằng đó là máu của những người bạn tôi. Tôi nhìn thấy họ nằm úp mặt dưới nền nhà. Đó là cú sốc mà chúng tôi chưa từng chuẩn bị tinh thần", ông Luz nói.
Ông Luz nhấn mạnh điều đáng buồn là ngay cả các nhân viên y tế tại Pháp cũng chưa được chuẩn bị đối phó với những tình huống bất ngờ như trên. Bởi sau khi xảy ra vụ tấn công, họ còn không có cả dây thắt giúp các nạn nhân cầm máu. Cũng đúng ngày xảy ra vụ tấn công, ông Luz không đeo thắt lưng da.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Daily Mail - tờ báo hàng ngày của Vương Quốc Anh, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1896. Đây hiện là tờ báo bán chạy thứ hai tại Vương Quốc Anh sau The Sun. Daily Mail cũng là báo hàng ngày đầu tiên của Anh nhắm vào thị trường những người thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân.