Hỗ trợ sinh viên sư phạm 3,63 triệu/tháng: Chỉ thu hút học sinh nghèo?
“Theo tôi chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm rất tốt nhưng chỉ thu hút được sinh viên nghèo vào sư phạm thôi chứ chưa chắc là sinh viên giỏi”, TS Lê Viết Khuyến cho hay.
Theo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm được Chính phủ ban hành ngày 25/9, sinh viên sư phạm ngoài được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí thì còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành.
Nghị định cũng quy định rõ việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đối với các trường hợp cụ thể như các sinh viên đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau hai năm kể từ ngày tốt nghiệp; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.
Nghị định đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì nhiều người lo lắng liệu bây giờ chính sách mới có thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm hay không.
![]() |
Ảnh minh họa |
Được 25 điểm thi dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Hương Lan (quê Thái Bình) quyết định đăng ký nguyện vọng vào ngành sư phạm Toán trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
“Nhà em 5 anh chị em, bố mẹ làm nông nên mức học phí cũng như sinh hoạt phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm có thể giúp em được viết tiếp giấc mơ ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Với mức hỗ trợ 3,6 triệu/tháng em sẽ cố gắng tiết kiệm hơn đồng thời kiếm việc làm thêm để có thể đỡ bố mẹ một phần trong quá trình học tập. Nếu không được hỗ trợ tiền học phí và sinh hoạt phí em cũng không biết mình sẽ học ngành gì và lấy tiền đâu để học và chi trả sinh hoạt”, Lan tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, em Lê Mỹ Anh (Hải Dương) năm nay cũng đầu quân vào sư phạm với 20 điểm, em đăng ký vào ngành Tâm lý học của ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
“Em vào sư phạm để mẹ đỡ áp lực việc nuôi em học đại học. Bố em mất sớm vì tai nạn, em là con lớn, mình mẹ nuôi hai chị em em nên khi chọn trường em cũng phải đặt tiêu chí học phí, chi phí sinh hoạt lên trên”, Mỹ Anh cho biết.
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Về cơ bản chính sách này rất tốt nhưng với chính sách mới này chỉ thu hút được sinh viên nghèo vào sư phạm thôi chứ chưa chắc sinh viên giỏi, vì còn liên quan đến vấn đề ra trường có việc làm hay không và thu nhập cao hay không”.
“Để thu hút sinh viên giỏi chúng ta phải bàn đến việc tạo cho sinh viên việc làm tốt với thu nhập cao ngay sau khi tốt nghiệp. Chứ hiện nay công tác phân luồng của ta còn hạn chế, mỗi năm hàng nghìn cử nhân thất nghiệp, giáo viên thì thừa mứa, xin được vào một cơ sở giáo dục không dễ thì có hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cũng không thể thu hút được sinh viên giỏi”, TS Lê Viết Khuyến cho hay.
Hoàng Thanh