Hiểu về lễ cầu siêu như thế nào cho đúng trong dịp Vu Lan?
Mang tính giáo dục về chữ Hiếu
Ngay từ đầu tháng Bảy âm lịch, nhiều chùa trên cả nước tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu. Ngoài việc đến chùa nghe giảng Kinh về chữ Hiếu trong đạo Phật thì nhiều chùa còn tổ chức khoá lễ cầu siêu cho người đã khuất.
Cầu siêu mang tính giáo dục về chữ Hiếu, sự biết ơn công lao người đã khuất |
Theo Thượng toạ Thích Minh Trí – Tiến sĩ Lịch sử học, trụ trì chùa Hà Tiên (Vĩnh Phúc) sở dĩ Rằm tháng 7 nhiều chùa tổ chức lễ cầu siêu cho cha mẹ, người thân là do sự tích về Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ trong Phật Giáo Bắc Truyền.
Câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ thường được các nhà chùa giảng lại vào mùa Vu Lan để đề cao chữ hiếu của con cái với cha mẹ. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp. Xuất xứ, đúng sai về câu chuyện hơn 2500 năm trước để xác minh đúng sai theo lý lẽ không phải là điều dễ dàng.
Tuy nhiên, chúng ta nên thấy rằng, điều gì tốt đẹp, có lợi ích, làm cho tình yêu thương nhân lên thì chúng ta nên thực hành. Có người đặt câu hỏi vì sao Ngài Mục Kiền Liên có thần thông nhưng không cứu được mẹ? Trong Phật giáo có câu: “Thần thông không thể chuyển được nghiệp đã tạo”, kể cả Đức Phật, người đã thấu suốt thế gian, đắc quả, giải thoát nhưng vẫn không thể hoá giải được nghiệp oan trái của dòng họ Thích ca của Ngài và nhà vua nước láng giềng do những hành động đã gieo từ trước.
Thầy Thích Minh Trí cho rằng, khoá lễ cầu siêu thường có ý nghĩa về mặt tâm lý, nhân lên tình yêu thương của con cái đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Mang tính giáo dục, đạo đức, niềm tin rằng “làm việc thiện sẽ gặp được điều thiện, làm việc ác sẽ phải gặt điều ác. Chứ Đức Phật không phải là người ban phước giáng hoạ cho ai. Đức Phật chỉ ra con đường để mọi người có cuộc sống giải thoát, diệt trừ các lỗi lầm để có đời sống thánh thiện.”
Hãy tự mình cứu lấy mình trước bằng cách làm việc thiện
Hiện nay, một số chùa tổ chức khoá lễ mang tính chất thương mại như niêm yết giá cả, thu tiền thì sẽ không đúng với tinh thần Phật Giáo. Tuy nhiên, đóng góp công đức tuỳ tâm, tuỳ hoàn cảnh thì không ai có thể cấm. Vì trong Phật Giáo, biết san sẻ, biết cho đi, là một phẩm chất để trở thành người có đạo đức.
Theo thượng toạ Thích Minh Trí: “Cách đúng nhất để hồi hướng công đức cho thân mẫu đã qua đời là: Thỉnh đến các bậc chân tu, xin giới, làm các phước thiện, thực hành bố thí, cúng dường, thực tập thiền quán, nghe pháp. Làm những công việc như vậy hành giả sẽ có một cái tâm trong sáng, tạo ra nhiều công đức, và rồi với sự hướng dẫn của chư tăng, hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc đã quá vãng. Và nên nhớ rằng không chỉ cho những người thân của mình mà phải hướng đến nhiều người khác. Vì theo quen niệm của Phật giáo, bất cứ ai cũng đều có thể là bà con, anh em, cha mẹ của mình.”
Lễ cầu siêu được tổ chức rất nhiều trong Tháng Bảy âm lịch |
Ngài Giới Đức, trụ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng (TP. Huế) cho biết, không có bài kinh nào, không có uy lực của bất kỳ ai có thể tụng kinh siêu độ, siêu thoát cho hương linh, vong linh, chân linh cả.
Thời Đức Phật còn tại thế, nếu có đến nơi người chết, chư tăng chỉ đọc những bài kệ vô thường, khổ và vô ngã để thức tỉnh người sống; và hiện nay các nước Phật giáo Nguyên Thuỷ (Theravāda) còn duy trì.
Người ta có thể đọc kinh cầu cho người sắp mất. Ví dụ như vừa chết lâm sàng thì thần thức người chết vẫn còn. Vậy có thể đọc kinh, mở băng kinh, chuông mõ, hương trầm... để “thần thức người chết” hướng về điều lành... để thần thức tự tạo “cận tử nghiệp” tốt cho mình.
Nếu thần thức đã lìa khỏi thân rồi – thì họ đã tái sanh vào cõi khác rồi, ngay tức khắc. Khi ấy thì gia đình làm phước (những việc thiện) để chư tăng tụng kinh hồi hướng phước ấy cho người đã mất.
Theo quan niệm của Phật giáo, cả hai trường hợp trên đều không hề mang ý nghĩa siêu độ, siêu thoát mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực cho người đã khuất mà thôi.
Quan trọng nhất mình vẫn là chủ nhân của những hành động thiện hay ác khi còn sống. Chính bản thân mỗi người mới có thể giúp mình được giải thoát hay không. Lúc sống hãy tâm niệm làm điều lành để tâm hồn luôn được thanh thản, buông xả, đó mới là “tấm vé” để siêu thoát nếu có niềm tin vào kiếp sau. Đức Phật dạy: “Tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hòn đảo của chính mình”.
Theo sự tích xưa, Bồ tát Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Đức Phật, ngài là một người đệ tử có thần thông sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng thần thông để tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở. Quá thương cảm, xót xa Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng trong 3 tháng an cư kiết hạ (ở một nơi để tu tập). Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cầu nguyện, mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ được siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Từ đó, người dân thường tổ chức lễ cầu siêu cho người thân đã khuất.