Hiện đại hóa quân đội Nga: Không phải có tiền là xong
Bài 1: Quân đội Nga - "Gấu" đã thức giấc
Kế hoạch đầy tham vọng của ông Putin vẫn đang được triển khai nhưng có điều, dư luận Nga đang tỏ ra hoài nghi tính hiệu quả của những đồng vốn ngân sách rót cho chương trình này bởi vấn nạn tham nhũng cũng khá trầm trọng ở Nga.
Nhưng tham nhũng mới chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Sự hạn chế trong năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Nga mới là điều đáng nói hơn cả. Trong vòng 18 tháng qua, Nga đã tiến hành khá nhiều các cuộc tập trận với quy mô lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay. Những cuộc tập trận này đã bộc lộ điểm yếu và những trục trặc trong hệ thống thông tin liên lạc của quân đội.
Dẫu sao thì các hoạt động này của Nga cũng khiến NATO vô cùng lo lắng. Từ nhiều năm nay, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã thực thi chính sách cắt giảm chi tiêu quốc phòng dựa trên nhận định cho rằng Nga không còn là một mối đe dọa lớn nữa.
Trong khi đó, quá trình “lột xác” của quân đội Nga lại diễn ra không mấy suôn sẻ. Người ta bắt đầu tỏ ra hoài nghi về việc liệu ngành công nghiệp quốc phòng nước này có thực sự có khả năng sản xuất những vũ khí, khí tài đáp ứng được kỳ vọng hay không.
Dmitry Gorenburg – một chuyên gia của Trung tâm phân tích Hải quân có lần đã lên tiếng cảnh báo rằng, kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga đang dựa trên sự “lạc quan thái quá” về việc các nhà máy vũ khí, các xưởng đóng tàu của Nga có thể nhanh chóng cho ra đời những trang thiết bị hiện đại như mong muốn của ông Putin và ông Shogui.
Mẫu tên lửa Bulava của Nga (Ảnh: Reuters) |
Thực tế, những trục trặc trong khâu thiết kế đã khiến đơn đặt hàng 47 tiêm kích Su-35 đã bị trì hoãn thêm 2 năm. Mặc dù vậy, ông Gorenburg và nhiều chuyên gia khác khẳng định kể cả đến năm 2016 thì Bộ Quốc phòng Nga cũng khó có thể nhận được “hàng” như yêu cầu.
Thêm vào đó, ngành công nghiệp quốc phòng Nga còn lâu mới đạt đến trạng thái “hoàn hảo” trong quá trình sản xuất. Một loạt sự cố đã xảy ra trong khi phát triển mẫu tên lửa phóng từ tàu ngầm Bulava. Các đơn hàng tàu chiến và tàu sân bay mới cũng trong tình trạng bị trì hoãn tương tự (điều này thể hiện khá rõ trong bản hợp đồng sản xuất tàu sân bay Đô đốc Gorshkov/ Vikramaditya cho hải quân Ấn Độ). Thậm chí, sự yếu kém trong khâu quản lý chất lượng cũng khiến các khách hàng phải đặt dấu hỏi về độ tin cậy của những loại vũ khí, khí tài do Nga sản xuất.
Lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) của ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng đang bị hoài nghi, đặc biệt là trong quá trình phát triển các mẫu vũ khí thế hệ thứ 5. Cựu Bộ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã phản đối khá mạnh kế hoạch này và cho rằng quân đội Nga nên “thực tế” hơn bằng việc đặt hàng những biến thể mới, có cải tiến của các mẫu vũ khí cũ từ thời Xô viết.
Trong lúc này, các nhà công nghiệp Nga vẫn liên tục vận động chính phủ gia tăng các đơn đặt hàng và thậm chí Bộ quốc phòng còn đề nghị nhập khẩu từ nước ngoài ví dụ như máy bay không người lái của Israel, xe tải nhẹ đa năng Iveco của Ý hay tàu đổ bộ tấn công Mistral của Pháp… Đây được cho là giải pháp nhằm lấp chỗ trống cho những thiết bị hiện đại mà trong nước không thể sản xuất được. Trong những thập kỷ tới, một trong các nhiệm vụ của ngành công nghiệp quốc phòng Nga là tìm cách để mua giấy phép hoặc tái sản xuất những công nghệ của nước ngoài. Chính sự phản đối gay gắt việc nhập khẩu thiết bị quân sự từ nước ngoài là một trong những lý do khiến ông Serdyukov bị mất chức Bộ trưởng quốc phòng Nga.
Kế hoạch của ông Serdyukov khi đó là tìm cách cải tổ lại lực lượng nhân sự của quân đội Nga. Nỗ lực giảm số sỹ quan và hạ sỹ quan của ông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Vấn đề sức khỏe đang khiến cho khoảng 60% số thanh niên trong độ tuổi quân dịch của Nga không có khả năng nhập ngũ nhưng bất chấp việc này, Bộ quốc phòng vẫn quyết định từ nay đến năm 2020, Nga sẽ phải thành lập thêm 40 lữ đoàn mới (cùng với khoảng 70 lữ đoàn hiện có). Điều đáng báo động là hiện có khoảng 25% binh sỹ Nga trong 70 lữ đoàn hiện nay đang trong tình trạng không đủ sức khỏe.
Một trong những nhiệm vụ nặng nề của ông Bộ trưởng Shoigu là phải tiếp tục cải cách hệ thống tuyển quân và hệ thống đào tạo tân binh cũng như vấn nạn bắt nạt các tân binh mới của hạ sĩ quan và các cấp trên trong quân đội Nga… nhằm tạo ra một lực lượng chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, việc này cũng sẽ khiến quỹ tiền lương, các đặc quyền và ưu đãi khác bị phình lên rất lớn mới có thể thu hút nhiều thanh niên Nga nhập ngũ.
Nga đã phải nhập khẩu tàu đổ bộ tấn côngMistral của Pháp |
Cùng với đó là rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch này. Đầu tiên là liệu các quỹ ngân sách quốc phòng của Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Bất kỳ sự biến động lớn về giá năng lượng thế giới sẽ khiến cho kế hoạch này gặp nguy hiểm. Thứ hai, liệu ngành công nghiệp quốc phòng Nga có kịp trở nên năng động và thích nghi hơn? Liệu họ có tận dụng được sự gia tăng ngân sách để cho ra đời những sản phẩm mới?
Đây sẽ là yếu tố sống còn bởi nó không chỉ để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Putin mà còn để giữ thị trường xuất khẩu truyền thống hấp dẫn của Nga. Nga sẽ mất lợi thế cạnh tranh không chỉ với các đối thủ Mỹ và châu Âu mà còn cho các công ty Trung Quốc nếu nó không thể theo kịp với sự phát triển mới trong công nghệ quốc phòng. Điểm thứ ba là liệu quân đội Nga có thể có được nguồn nhân lực cần thiết, cho dù bằng cách cung cấp điều kiện tốt hơn hoặc được phép tuyển dụng giữa các dân nói tiếng Nga ở những nơi khác trong Liên Xô cũ.
Nhưng ngay cả khi mục tiêu đầy tham vọng của Bộ Quốc phòng Nga không được thực hiện đầy đủ thì người ta vẫn không thể từ chối được thực tế là quân đội Nga đang phát triển mạnh mẽ. Nga có thể không đạt được ở một vị trí có thể trực tiếp thách thức Hoa Kỳ nhưng họ vẫn có thể tự tin rằng họ đang bỏ xa châu Âu và đang khôi phục lại khả năng của mình.