Hi vọng dễ thở của bác sĩ bệnh viện đầu sóng ngọn gió ở Hà Nội
Hình ảnh cấp cứu người bệnh ngày Tết. |
Ám ảnh cấp cứu ngày Tết
Ngày Tết đặc biệt là khoảnh khắc đón giao thừa nhưng các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế luôn bận rộn làm việc không lúc nào ngơi tay để giành giật sự sống cho những trường hợp cấp cứu mà quên đi giấy phút thiêng liêng đó dành cho gia đình, người thân của mình.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Gia Anh – trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức tâm sự chọn nghề bác sĩ bạn sẽ xác định không được ăn Tết bên gia đình thường xuyên và chắc chắn một điều không có nghỉ Tết vì bác sĩ sẽ chia ra trực luân phiên.
Bác sĩ Gia Anh cho biết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi ngày chia ca trực khoảng 250 bác sĩ và điều dưỡng luôn sẵn sàng trực chiến với các ca cấp cứu. Ngày Tết, số ca cấp cứu nặng luôn tăng. Một số bệnh viện tuyến dưới cũng chuyển viện nhiều hơn và có những đêm giao thừa bác sĩ đón khoảnh khắc giao thừa trong phòng mổ.
Thạc sĩ Gia Anh kể, có năm khoảng 11h30, chỉ còn nửa tiếng nữa đón năm mới. Bác sĩ giơ tay nhìn đồng hồ hi vọng năm mới đến sẽ may mắn. Chưa kịp thở thì ca cấp cứu ập đến và cả kíp lại tập trung vào cấp cứu người bệnh. Khi nhìn ra thì đã qua khoảnh khắc giao thừa từ lúc nào. Anh em, đồng nghiệp ăn tạm miếng bánh chưng rồi lại lao vào cấp cứu.
Ngày đầu năm, ai cũng mong niềm vui, điều tốt đẹp nhưng nơi đầu sóng, ngọn gió như bệnh viện thì không có đặc biệt là tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Thạc sĩ Gia Anh nhớ từ khi anh làm bác sĩ có năm vừa bước sang năm mới được vài phút thì bác sĩ lại đọc chứng tử cho người bệnh, vĩnh biệt người bệnh về thế giới bên kia. Đó là điều không ai muốn nhưng ở phòng cấp cứu có thể xảy ra bất cứ điều gì. Nếu lấy đó là đen đủi, xui xẻo thì chẳng ai làm được nghề bác sĩ.
Bác sĩ Gia Anh cho biết số ca đến viện trong dịp nghỉ lễ không tăng quá cao so với ngày thường nhưng lại tăng số trường hợp chấn thương nặng và mổ cấp cứu. Phần lớn số ca tai nạn giao thông nhập Bệnh viện Việt Đức có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép khiến việc điều trị gặp khó khăn.
Nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông hầu hết ở độ tuổi lao động. Nhiều trường hợp trong số này sử dụng rượu bia trước khi lái xe, rồi tự ngã hoặc gây tai nạn cho bản thân và người khác. Nhiều bệnh nhân tai nạn giao thông vào viện trong tình trạng rất nặng, gần như không cứu được do tổn thương về sọ quá nặng, kèm theo đa chấn thương, huyết áp tụt, bệnh nhân có thể sốc. Có trường hợp vào tới viện thì tử vong hoặc tử vong trên đường đi cấp cứu.
Hi vọng dễ thở
Thạc sĩ Anh cho biết sang năm 2020, Nghị định 100 đi vào thực tế, qua thống kê sơ bộ Thạc sĩ Anh cho biết số ca cấp cứu tai nạn giao thông liên quan tới bia rượu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cũng giảm ít nhiều. Đây là tín hiệu khả quan và thạc sĩ Anh hi vọng Tết Canh Tý bác sĩ sẽ dễ thở hơn với những ca cấp cứu tai nạn, đánh nhau kinh hoàng.
Những năm trước, bác sĩ luôn ám ảnh những ca cấp cứu do tai nạn giao thông, đánh nhau mà bệnh nhân và người nhà có chút cồn vào. Theo thạc sĩ Gia Anh những người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông thường đi tốc độ cao, khi xảy ra tai nạn không tự chủ động được, dẫn tới tổn thương sau tai nạn nặng nề hơn nhiều. Đây là những trường hợp bệnh nhân nặng và khó đánh giá được các tổn thương khác bởi tri giác không có. Lúc này, không biết bệnh nhân có đau hay không? Mạch, huyết áp lại càng khó đo. Bởi khi say rượu, mạch thường rất nhanh, không biết tình trạng của bệnh nhân có bị mất máu hay không?. Đánh giá chung trên một bệnh nhân cho thấy, những trường hợp càng uống rượu nhiều, càng say nặng thì đánh giá tình trạng bệnh và xử lý cấp cứu bệnh nhân sẽ khó khăn hơn
Hơn thế nữa, sử dụng rượu bia gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn, chức năng gan, thận, sọ não… dẫn đến việc chẩn đoán, quá trình gây mê và điều trị hồi sức sau mổ đều khó khăn hơn so với người không sử dụng.