Hết thời ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm, bán "bia kèm lạc"?
Hoạt động bancassurance – bán bảo hiểm tại ngân hàng bắt buộc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Quy định "nóng" về ngân hàng bán bảo hiểm tại Chỉ thị 01/2022
Những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng sẽ xử lý nghiêm.
Khách hàng giao dịch tại các ngân hàng có thể nhận được lợi ích, quà tặng khi mua bảo hiểm. Ảnh: Giao dịch mở tài khoản tại ACB (L.M)
Đây là một trong những nội dung được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo tại Chỉ thị 01/2022/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022.
Cụ thể, tại Chỉ thị 01, Thống đốc đặt 5 yêu cầu cụ thể đối với các tổ chức tín dụng (TCTD):
Các TCTD phải tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối bao gồm chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng và các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Thường xuyên thanh tra, giám sát tình hình chấp hành trong toàn hệ thống để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm;
Xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2022 bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN;
Tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt;
Quán triệt trong toàn hệ thống thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu với i) Cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen. (ii) Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay khi thực hiện mở rộng tín dụng. (iii) Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...; thực hiện cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.
Đặc biệt, yêu cầu 1.5 tại Chỉ thị 02/2022 nêu rõ: Các TCTD có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Theo đó, có thể thấy hoạt động ngân hàng liên kết kinh doanh đại lý bảo hiểm - bancassurance là một trong những “đích ngắm” trong nhiệm vụ trọng tâm sẽ được NHNN theo sát trong năm nay. Đây là mảng mới nở rộ trong vài năm gần đây nhưng đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các ngân hàng, đặc biệt với những TCTD đã bắt tay ký kết hợp tác độc quyền với hãng bảo hiểm và nhận phí upfront (phí trả trước) cộng hoa hồng bảo hiểm – mang đến giá trị hợp đồng khủng hàng trăm triệu USD.
Bancassurance mang lợi lớn cho ngân hàng
Cho đến nay, hợp đồng độc quyền của Vietcombank (VCB) với hãng bảo hiểm nhân thọ FWD vẫn đang là giao dịch bảo hiểm nhân thọ lớn nhất trên thị trường từ trước đến nay, với giá trị ước khoảng trên 450 triệu USD.
Công nghệ và sớm có sự sẵn sàng trong liên kết bancassurance giúp ngân hàng có lợi thế phân phối bảo hiểm trên thị trường (ảnh minh họa)
Năm 2021, thị trường chứng kiến giá trị nhiều hợp đồng bancassurance lớn được hạch toán, như hợp đồng 16 năm của VietinBank với Manulife (được ký vào tháng 12/2020). Tương tự là hợp đồng 15 năm của ACB ký với SunLife cũng vào cuối tháng 12/2021, khai thác chính thức bắt đầu từ 1/1/2021 và ước mang về cho ACB khoảng 370 triệu USD (hơn 8.500 tỷ đồng)…
Cuộc cạnh tranh trên thị trường bancassurance năm 2021 cũng ngày càng trở nên khốc liệt với sự nổi bật của nhiều ông lớn lẫn các ngôi sao “mới nổi”. Theo một thống kê không chính thức, top 10 bancassurance 2021 xét về thị phần thuộc về VIB (ngân hàng này bắt tay hợp tác chiến lược 15 năm với Prudential và giữ vị trí đầu bảng về thị phần khá sớm), MBBank với MB Ageas Life; Vietcombank với FWD và HDBank với Dai-ichi Life. Trong đó riêng HDBank năm 2021 còn có thêm sự hiện diện mới của HD Insurance và ngân hàng này đang được đánh giá có tiềm năng rất cao về dư địa phát triển, đặc biệt khi chưa ký hợp đồng độc quyền, hứa hẹn một khoản doanh thu khủng khi thực sự chọn được đối tác trong năm nay.
Techcombank, SCB, ACB, Sacombank, VPBank, TPBank… với lợi thế quy mô, mạng lưới hệ thống, công nghệ, data khách hàng… cũng có tên trong cuộc cạnh tranh top APE phát hành (Annual premium equivalent) - phí bảo hiểm hàng năm.
Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2021, mặc dù có khó khăn do COVID-19, tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn ước đạt 214.958 tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.561 tỷ đồng, tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy là hoạt động bancassurance không ngừng phát triển và mang lại những lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại và khách hàng mua bảo hiểm, khiến bancassurance đang là một trong những kênh phát triển nhanh nhất và là kênh phân phối đứng thứ hai ở Việt Nam.
Kỳ vọng tăng nhu cầu vay vốn, không tăng tình trạng "bán bia kèm lạc"
Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ doanh thu phí của kênh bancassurance trên tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường Việt Nam vẫn thấp so với nhiều quốc gia. Cùng với đó, còn có nhiều vấn đề nảy sinh mà một trong những nổi cộm là xuất hiện tình trạng các ngân hàng chạy đua theo chỉ tiêu, dẫn đến các nhân viên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay bằng mọi giá “chèo kéo” khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm.
Đã có thời điểm tình trạng nổi cộm này bùng phát khiến Bộ Tài chính đã có công văn số 14097/BTC-QLBH ngày 17/11/2020 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm. Đến tháng 5/2021, Bộ lại có thông cáo nêu rõ để đảm bảo quyền để kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của tổ chức tín dụng tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp có vi phạm.
Với Chỉ thị của NHNN trong 2022, đặc biệt đi cùng các nội dung chỉ đạo các TCTD tạo thuận lợi để doanh nghiệp, người dân được tiếp cận tín dụng, tháo gỡ mọi vướng mắc khó khăn trong quan hệ tín dụng ngân hàng – doanh nghiệp, việc Thống đốc nêu yêu cầu chỉ đạo các ngân hàng hoạt động kinh doanh bảo hiểm đúng quy định được kỳ vọng sẽ hạn chế, giảm thiểu tối đa tình trạng “chèo kéo”, yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh sản phẩm và công ty bảo hiểm đối với khách hàng; cũng như, khiến kênh phân phối bảo hiểm liên kết ngân hàng bị hạn chế hiệu quả, giảm đóng góp tích cực cho thị trường và nền kinh tế.
"Khi NHNN thực sự giám sát chặt chẽ, sát sao, hy vọng là doanh nghiệp, người dân tăng nhu cầu vốn để phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh bình thường thích nghi với dịch ở năm 2022, sẽ không còn bị các nhân viên ngân hàng yêu cầu muốn được giải ngân thì phải mua bảo hiểm theo kiểu "bán bia kèm lạc". Đồng thời các ngân hàng cũng sẽ quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ về tư vấn bảo hiểm của nhân viên, chuyên viên; và bắt tay với đối tác bảo hiểm phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ phù hợp và đảm bảo lợi ích người mua bảo hiểm tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn", một chuyên gia nhận định
Ngân hàng thu ngàn tỷ nhờ bán bảo hiểm
Năm 2021, các ngân hàng đều đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm, qua đó ghi nhận doanh số bảo hiểm theo tháng với mức tăng trưởng ấn tượng của thu nhập phí bảo hiểm thuần.
Theo DDDN