Henry Kissinger sẽ giúp Nga - Mỹ tìm được tiếng nói chung?
Trong bài báo gần đây, tờ Politico của Mỹ đưa tin rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger có thể làm trung gian cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ sau lễ nhậm chức của ông Donald Trump vào tháng 1/2017. Tờ báo cho biết, nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu 93 tuổi này có bề dày kinh nghiệm và có mối quan hệ cá nhân tốt với nhà lãnh đạo Nga.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger |
Xét theo những phát ngôn gần đây của ông Kissinger và các cuộc gặp gỡ cá nhân của cựu Ngoại trưởng với Tân Tổng thống Trump, thì nhà ngoại giao lão luyện này chính là ứng cử viên thích hợp làm trung gian trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Washington.
Ông Kissinger đã duy trì được mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Putin. Và ngay trong thời kỳ quan hệ song phương bị nguội lạnh thì cùng với Bộ trưởng Ngoại giao tương lai của Mỹ là Rex Tillerson, ông vẫn gặp gỡ nhà lãnh đạo Nga.
Một số chuyên gia cho rằng "một trí tuệ tinh hoa" như ông Kissinger có thể kết hợp cùng với "nét sắc sảo và thẳng thắn" như ông Trump. Tuy nhiên, thực tế thì Tân Tổng thống Hoa Kỳ có thể là tác giả của 70% cơ hội thực hiện kế hoạch lâu dài nhằm kết nối đối thủ trong Chiến tranh Lạnh trước đây.
Cựu Ngoại trưởng Kissinger từ lâu đã có chủ trương cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga, bởi ông tin rằng điều này sẽ góp phần ổn định toàn cầu. Có nhiều người phản đối phương thức này, bởi họ tin rằng Hoa Kỳ sẽ phải từ bỏ đi việc phát huy các giá trị của mình.
Tuy nhiên, ông Kissinger, người vốn được biết đến với thái độ thực tế đối với các vấn đề chính sách quốc tế, có suy nghĩ khác. Tờ Politico dẫn lời người đứng đầu trung tâm phân tích Cicero Foundation của Hà Lan, ông Marcel van Gerpena cho biết: "Ông ấy là một người thực tế. Đối với ông, điều quan trọng nhất là duy trì sự cân bằng trên thế giới, không cần bàn cãi về nhân quyền hay dân chủ".
Ngoài việc tạo ra một thế giới đa cực, trong đó Nga sẽ đóng một vai trò quan trọng, ông Kissinger còn kêu gọi sự hợp tác giữa hai nước trong vấn đề Syria. Theo ông, những nỗ lực chung của các cường quốc trên thế giới "có thể là một mô hình giải quyết các xung đột ở Trung Đông".
Đối với vấn đề Ukraine, cựu Bộ trưởng Ngoại giao cũng thể hiện tầm nhìn riêng của mình. Trả lời phỏng vấn trên Politico, ông cho biết: "Ukraine cần phải tích hợp với cộng đồng châu Âu và quốc tế, qua đó nước này sẽ trở thành cầu nối giữa Nga và phương Tây, chứ không phải là tiền đồn của một trong các bên".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump |
Ngoài ra, cựu quan chức ngoại giao Mỹ cũng tự hào về mối quan hệ cá nhân thân thiện với cả hai nhà lãnh đạo. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên đài truyền hình SBS, ông đã kể về những ấn tượng với Tổng thống Putin và gọi nhà lãnh đạo Nga là "người anh hùng trong tiểu thuyết của Dostoevsky".
Về phần mình, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết rằng ông Kissinger rất thông thuộc lịch sử và triết học Nga. Ông Peskov nhận định: "Việc ông ấy hiểu rõ nước Nga không có nghĩa rằng sẽ hoàn toàn đồng thuận với Nga. Không thể mong đợi điều đó từ ông ấy được. Nhưng chí ít ông ấy đã không hiểu biết hời hợt mà nắm được những thông tin có chiều sâu".
Về phần ông Trump, trong một cuộc phỏng vấn, ông Kissinger nhận xét rằng vị tỷ phú có cơ hội được ghi danh là một "tổng thống tốt" của Hoa Kỳ. Ông cũng đề cao việc bổ nhiệm ông Rex Tillerson làm người đứng đầu Bộ ngoại giao. Politico dẫn lời một nguồn tin từ đội ngũ hỗ trợ bầu cử của Tổng thống Mỹ, cho biết ông Trump rất coi trọng ý kiến của cựu Ngoại trưởng về vấn đề chính sách đối ngoại.
Henry Kissinger từng là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ những năm 1970. Ông là một trong những tác giả của chính sách điều hòa quan hệ với Liên Xô. Trong nhiều thập kỷ qua, ông Kissinger là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ.