Hệ thống tác chiến điện tử Nga có thể khiến các vệ tinh của Mỹ “tắt điện”?
Hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
RIA đưa tin, hôm 15/4, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nhận định, Nga trong những năm qua đã vượt lên nhóm đứng đầu về chất lượng và số lượng khi sở hữu các hệ thống tác chiến điện tử (EW), có thể tác động đáng kể đến diễn biến trận chiến và thậm chí hoạt động cả trong không gian vũ trụ.
Theo truyền thông Nga, các hệ thống EW có thể tước bỏ khả năng sử dụng vũ khí chống lại Nga của đối phương hoặc ít nhất là giảm hẳn hiệu quả của việc sử dụng vũ khí đồng thời tước bỏ khả năng hoạt động trinh sát của họ. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nga đã tạo ra và đang tích cực cung cấp cho quân đội hàng chục mẫu thiết bị tác chiến điện tử mới.
Theo đó, nhân dịp kỷ niệm “Ngày chuyên gia tác chiến điện tử 15/4” được tổ chức cho Lực lượng Vũ trang Nga, đây là ngày lễ chuyên nghiệp được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống ngày 31/5/2006. Ông Leonkov cho hay: “Quân đội các nước phương Tây cho đến gần đây vẫn tin rằng việc phát triển lực lượng EW không ý nghĩa gì, kết quả là họ bị tụt hậu một cách đáng thất vọng với Nga. Do đó, các hệ thống EW của Nga đã phát triển vượt xa và hiện nay thực sự không có đối thủ trên thế giới”.
Chuyên gia quân sự Leonkov nhấn mạnh, hiện nay quân đội Nga đã áp dụng các hệ thống EW để bảo vệ máy bay, tàu chiến, nhân lực trong phạm vi nhất định, vô hiệu hóa ngòi nổ đạn dược, gây tác động đến các hệ thống trinh sát, gây rối loạn hệ thống dẫn đường, ngăn chặn hoạt động của thiết bị điều khiển máy bay không người lái, và thậm chí hoạt động cả trong không gian vũ trụ.
Cũng theo chuyên gia Leonkov, trong những năm tới tầm quan trọng của tác chiến điện tử sẽ ngày càng gia tăng, do vai trò ngày càng lớn của công nghệ thông tin trong quản lý quân đội và vũ khí.
“Do đó, Cơ quan Các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng Mỹ (DARPA) tin rằng hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã trở thành mối nguy hiểm chính đối với các nhóm thiết bị hoạt động trong vũ trụ, và mối đe dọa này chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng”, ông Leonkov lưu ý.
Mới đây, vào tháng 3, theo một số nguồn tin tình báo, các tàu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi tiếp cận biên giới của Nga ở Biển Đen thực tế không đủ khả năng tiến hành hoạt động do thám do phải đối mặt với hệ thống tác EW. Các nguồn tin tình báo đã gọi hoạt động do thám của các con tàu thuộc NATO là một nỗ lực nhằm thâm nhập vào các mạng truyền thông và kỹ thuật số.
Nguồn tin cho biết, hệ thống tác chiến điện tử tối tân của Nga được thử nghiệm trong điều kiện chống trả trên thực tế, nhờ đó kiểm định được tính năng kỹ thuật. Kết quả là các tàu của NATO không thể do thám được gì và phải rút lui.