Hệ thống tác chiến điện tử của Nga khiến máy bay trinh sát Mỹ ‘tắt điện’
Avia.pro đưa tin, các hệ thống tác chiến điện tử chiến lược siêu đẳng của Nga đã ngăn cản hoạt động do thám của một máy bay trinh sát Mỹ.
Theo đó, máy bay trinh sát Boeing RC-135W của quân đội Mỹ đã cố gắng khiêu khích gần khu vực bố trí các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử trong khu vực Murmansk, thành phố ở tây bắc Nga.
Tuy nhiên, hoạt động do thám quân sự chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, do phía Nga đã kích hoạt hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN.
Hình ảnh máy bay trinh sát Mỹ do thám gần biên giới Nga. (Ảnh: Flightradar24) |
Trong hình ảnh được trang Flightradar24 cung cấp, có thể thấy một máy bay quân sự của Mỹ đã bay rất gần biên giới Nga và bắt đầu hoạt động do thám. Ngay sau đó, máy bay trinh sát đã buộc phải rời khỏi khu vực. Theo các giả thiết, có thế máy bay trinh sát của Mỹ đã nằm vào vùng ảnh hưởng của hệ thống tác chiến điện tử phía Nga hoặc có khả năng máy bay chiến đấu của Nga đã “đánh chặn” chiến đấu cơ của lực lượng không quân Mỹ.
Đến nay, chưa có tuyên bố chính thức nào về vụ việc, tuy nhiên, trước sự khiêu khích của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gần đây Nga bắt đầu có những hành động khá gay gắt đối với bất kỳ hành động xâm phạm biên giới và các mối đe dọa tiềm tàng, bao gồm cả việc sử dụng các phương tiện tác chiến điện tử.
Hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga do Tập đoàn công nghệ vô tuyến - điện tử KRET, một bộ phận của Tổng công ty Nhà nước Rostec, phát triển, nhằm vô hiệu hóa Hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh quân sự tần số cao (High Frequency Global Communications System - HFGCS) của phương Tây.
Trên thực tế, việc nghiên cứu thiết kế chế tạo tổ hợp này bắt đầu ở Liên Xô từ những năm 1960, tuy nhiên, chỉ đến năm 2015, các kỹ sư người Nga mới có thể tạo ra bước đột phá cần thiết và đưa ra một mẫu thử nghiệm mới.
Murmansk-BN là phương tiện tác chiến điện tử chiến lược, có khả năng “làm choáng” và “mù” các phương tiện thông tin liên lạc, trinh sát và cảm biến vũ khí “thông minh” của đối phương ở khoảng cách 5.000 km (thậm chí lên tới 8.000 km - khi khả năng truyền tín hiệu lý tưởng trong khí quyển và ăng-ten đạt công suất cực đại), trong khi hầu hết các hệ thống tác chiến điện tử khác chỉ có hiệu quả ở khoảng cách đến 300 km.
Các tổ hợp loại này được lên kế hoạch triển khai trong khu vực phụ trách của các hạm đội Baltic, Phương Bắc, Biển Đen và Thái Bình Dương. Murmansk-BN được lắp đặt ở Crimea sẽ kiểm soát tất cả các tàu NATO ở Địa Trung Hải.
Từ Kaliningrad, Murmansk-BN có thể kiểm soát không chỉ toàn bộ châu Âu, mà còn cả Bắc và Đông Bắc Đại Tây Dương. Nó có thể phá vỡ sự kết nối của các tàu chiến, máy bay và các đơn vị quân sự mặt đất ở Đông Âu, Trung Âu và khu vực Baltic.
Mỹ ‘cuống cuồng’ hiện đại hóa phòng thủ tên lửa vì vũ khí mới nhất của Nga
RT trích dẫn một tài liệu của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cho hay, Mỹ dự định hiện đại hóa phần mềm phòng thủ tên lửa do sự xuất hiện của vũ khí siêu thanh ở Nga.
Thanh Bình (lược dịch)