Hé lộ “vũ khí bí mật” của Nga trong cuộc chiến tranh dầu mỏ
Bloomberg nhận định, hôm 12/3, Nga có thể là nhà sản xuất dầu duy nhất có khả năng làm việc với mức giá dầu là 15-20 USD/ thùng. Các chuyên gia từ Bank of America và Raiffeisenbank cho hay, lợi thế của Nga là chi phí sản xuất thấp, cơ sở hạ tầng phụ trợ phát triển, hệ thống thuế linh hoạt và tỷ giá hối đoái “thả nổi”.
OPEC và Nga đang không có tiếng nói chung trong việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ. (Ảnh minh họa). |
Bloomberg nhận định, các nhà sản xuất ở Nga nhận được một phần doanh thu của họ bằng USD, trong khi đó họ chi tiêu bằng đồng rup. Do đó, họ có thể đầu tư vào sản xuất khi các đối thủ của họ buộc phải giảm các chi phí này để cân bằng sản xuất.
Trước đó, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, Ả Rập Xê út đã đề xuất cung cấp dầu Arab Light cho Rotterdam với mức giá khoảng 25 USD/ thùng, đây là mức giảm giá rất lớn so với giá dầu Urals của Nga. Ngoài ra, Saudi Aramco, công ty dầu mỏ nhà nước Ả Rập Xê út đưa ra mức chiết khấu rất lớn đối với thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ nếu sử dụng dầu nguyên liệu thô đầu vào từ nhà cung cấp này.
Cụ thể, Ả Rập Xê út giảm giá dầu Arab Light cho các nhà chế xuất tại tây bắc châu Âu thêm 8 USD/ thùng, khiến loại nguyên liệu đầu vào này rẻ hơn 10,25 USD/ thùng đối so với dầu thô Brent. Để so sánh, dầu Urals tiêu biểu của Nga sau khi chiết khấu rẻ hơn 2 USD/ thùng so với dầu thô Brent.
Tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là OPEC+, không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna, Áo.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow không đồng ý với đề xuất của OPEC nhằm tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu. Nga đề xuất duy trì các điều kiện hiện có, còn Ả Rập Xê út thì đề nghị tiếp tục giảm sản lượng khai thác dầu. Bộ trưởng Nga cảnh báo rằng thị trường có thể phản ứng mạnh mẽ trước báo cáo về việc chấm dứt thỏa thuận.
Việc Nga từ chối tham gia vào kế hoạch của OPEC không phải là điều bất ngờ, bởi trước đó nước này đã bác bỏ kêu gọi của tổ chức này về việc cắt giảm sản lượng mạnh hơn cho đến cuối năm nay. Theo đó, các nước sẽ tự do sản xuất từ ngày 1/4, sau khi thỏa thuận hiện nay kết thúc vào cuối tháng Ba.