Hé lộ bí quyết thành công của Tổng thống Putin với nước Nga
"Tội ác lớn nhất trong lịch sử chúng ta là việc những người nhu nhược đã ném quyền lực xuống sàn nhà như Tsar Nicholas II và Mikhail Gorbachev. Họ đã để đám đông bạo lực quyết định quyền lực", nhà báo Ben Judah cho hay Tổng thống Putin đã nói như vậy trên tạp chí Newsweek hồi tháng 7/2014. Theo nguồn tin này, ông Judah cho biết: "Tổng thống đã thề sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm trên".
Theo tờ The Moscow Times, một phần trong kế hoạch tránh vấp phải những sai lầm như hai nhà lãnh đạo Nicholas II và Gorbachev, Tổng thống Putin đã quyết định không hạn chế quyền sử dụng rượu mạnh đồng thời giảm giá bán rượu vodka trong tháng Hai.
Ông Putin được đánh giá là nhà lãnh đạo có tài cầm quyền hơn những người tiền nhiệm dưới thời Liên bang Xô viết. |
Về mặt xã hội, việc giá rượu vodka giảm sẽ dẫn tới những hậu quả liên quan tới sức khỏe người dân Nga. Tuy nhiên, xét về góc độ chính trị, biện pháp của Tổng thống Putin được xem là phương thức kiểm soát đám đông.
Liên quan tới cách tiếp cận với những chính trị gia đối lập và phần tử chống đối, chính quyền của Tổng thống Putin đã tránh vấp phải sai lầm trong quá khứ là không cố không tạo ra những anh hùng. Nói cách khác, chính phủ Nga không xử những thành phần đối kháng vì tội đối lập chính trị mà khép họ vào tội trộm cắp và gian lận.
Bên cạnh đó, chính quyền Nga còn tạo bước đột phá mở rộng không gian tự do tham khảo tư liệu và tự do ngôn luận cho giới tri thức. Song, đây vẫn chỉ là sự tự do trong khuôn khổ. Quan trọng hơn, những tri thức cảm thấy không hài lòng với cơ chế chính trị và kinh tế của Nga hiện thời có thể được tự do đi lại hoặc ra nước ngoài sinh sống. Đây cũng là cách giải tỏa căng thẳng cho hệ thống lãnh đạo Nga.
Việc chính quyền Liên Xô cũ ngăn cản tự do tín ngưỡng cũng là một trong những sai lầm nghiêm trọng và chính phủ Nga đã phải dành 15 năm để dần dần sửa chữa lỗi lầm này. Theo đó, điện Kremlin nhìn nhận các nhà thờ ái quốc có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Nga là công cụ hữu hiệu để khôi phục niềm tin tự do tín ngưỡng với người dân đồng thời đưa vấn đề tôn giáo vào chương trình nghị sự quốc gia. Tuy nhiên, những tổ chức tín ngưỡng đối lập, cực đoan vẫn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của chính phủ.
Tổng thống Putin phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm một năm ngày sáp nhập bán đảo Crimea hôm 18/3. |
Chính quyền Nga đương nhiệm đã rút ra được bài học kinh nghiệm từ những sai lầm của nhà lãnh đạo Xô viết Nikita Khrushchev và tiến hành sáp nhập Crimea, bán đảo mà cố lãnh đạo Khrushchev đã chuyển cho Ukraine hồi năm 1954.
Dưới thời lãnh đạo của ông Khrushchev, Liên Xô cũ đi theo con đường đối đầu trực tiếp với phương Tây như trong giai đoạn bùng nổ Khủng hoảng Tên lửa Cuba và Berlin. Trong giai đoạn này, cả lãnh đạo Washington và Moscow đều là những người ở trong tư thế sẵn sàng ấn nút khai hỏa vũ khí hạt nhân. Song hiện nay, nhiều khả năng Tổng thống Putin cho rằng cách tốt nhất để tránh phải đối đầu trực tiếp là rút lui tên lửa như cách mà nhà lãnh đạo Khrushchev đã làm trong giai đoạn Khủng hoảng Tên lửa Cuba.
Liên quan tới chính sách đối ngoại, Moscow đã đi theo con đường ủng hộ mạnh mẽ cho các quốc gia tỏ ra không bằng lòng với thể chế của phương Tây. Trong khi đó, giới truyền thông Nga đã tạo ra một bước biến chuyển lớn trong cách tiếp cận với khán giả nước ngoài. Thay vì tôn vinh sự vĩ đại của nước Nga, họ lại tập trung vào mô tả những điểm xấu của phương Tây. Cách tiếp cận này được đánh giá là khá đơn giản hơn nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ.
Trong quá khứ, nỗ lực hiện đại hóa của Liên Xô cũng đã gặp thất bại khi phủ nhận quyền tự do và quyền sở hữu cá nhân cũng như ngăn chặn sự tiếp cận từ phương Tây. Dù nước Nga hiện đại vẫn phủ nhận sự cạnh tranh theo kiểu phương Tây nhưng đã cho phép du nhập chủ nghĩa tư bản để tạo nên những thay đổi về lĩnh vực kinh tế và chính sách xã hội. Song tất cả vẫn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ.
Nói tóm lại, The Moscow Times nhận định dù chính quyền của Tổng thống Putin không phải đã đạt tới sự "hoàn hảo" trong mọi lĩnh vực nhưng rõ ràng chính quyền đương nhiệm đã thể hiện được khả năng điều hành tốt hơn các nhà lãnh đạo dưới thời Liên bang Xô viết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga.