Hé lộ bí mật về quả chuông Nhật Tảo nghìn năm tuổi
Quả chuông đồng tình cờ được phát hiện khi đang treo tại Văn Chỉ của thôn Nhật Tảo (Hà Nội). Sau khi được phát hiện, quả chuông được tạo tác năm 948 bắt đầu được tìm hiểu, nghiên cứu và hé lộ hành trình ly kỳ của nó...
Bảo vật nghìn năm suýt bị lãng quên
Khi chúng tôi đến thăm đình Nhật Tảo (phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đình đang được tu bổ lại phần hậu cung.
Tiếp chúng tôi là các thành viên của Tiểu ban quản lý di tích đình Nhật Tảo. Thay vì cho chúng tôi tận mắt chiêm ngưỡng quả chuông cổ, ông Nguyễn Văn Bẩy (59 tuổi, thành viên Tiểu ban quản lý di tích) giới thiệu những bức ảnh chụp quả chuông quý giá.
Vừa đưa ảnh ông Bảy vừa miêu tả một cách tỉ mỉ: “So với những quả chuông quý khác, chuông Nhật Tảo bé hơn về kích thước. Chuông cao 0,32m, nặng 5,4kg với đường kính miệng 0,19m. Chuông được đúc theo lối thượng thu hạ thách (trên thon, dưới nở). Quai chuông đúc nổi đôi thú (giống như Ly Thủ) đấu lưng vào nhau, uốn cong tạo thành núm treo chuông.
Thú có đầu to, mắt lồi, hai sừng thẳng, bờm ôm sát đầu, thân có vảy, hai chân và miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông tạo thế vững chắc cho quai chuông. Chỏm quai tạo hình núm tròn dẹt nhô lên. Đỉnh chuông bằng, vai xuôi, thân hình trụ, miệng loe có gờ, thành chuông dày.
Ở phần trên của mặt ngoài chuông có khắc một bài minh gồm 211 chữ. Trải qua thời gian dài hơn 1.000 năm, chuông đã bị hư hỏng như phần chỏm quai vỡ thiếu mảnh, linh thú gãy 1 chân, sừng, một số cánh hoa của 2 núm gõ bị mòn vẹt do quá trình sử dụng”.
Ngồi bên cạnh, ông Phùng Tất Thắng tiếp lời khi chúng tôi thật sự muốn biết thêm nhiều chi tiết. Ông Thắng kể, năm 1952, giặc Pháp chiếm đình, làm bốt đóng quân, các cụ trong làng phải sơ tán toàn bộ đồ thờ tự và đồ tế khí của đình về văn chỉ của làng (trong đó có quả chuông). Sau năm 1954, đình biến thành trụ sở hợp tác xã.
Đến năm 1965, bom Mỹ bắn phá Hà Nội, học sinh Thủ đô sơ tán về các vùng ngoại thành. Các lớp học được mở tại đình, văn chỉ của làng. Lúc ấy, ông Thắng học lớp 2, trong trí nhớ của ông, quả chuông đồng treo trước sân văn chỉ đều đặn vang lên mỗi ngày báo giờ vào lớp, giờ tan học.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, văn chỉ cũng như đình Nhật Tảo bị tàn phá nặng nề, tiền đường, trung đường và hậu cung đều không còn, không mấy ai để ý đến quả chuông thay cho trống trường. |
Số phận long đong và lễ “rước thánh hồi cung”
Như một cơ duyên, năm 1987, ông Phạm Văn Thắm, cán bộ viện Nghiên cứu Hán Nôm về địa phương nghiên cứu tình cờ đọc và dịch được những dòng chữ khắc trên chuông. Lúc đó, nhiều người mới biết, đó là chuông quý.
Thế nhưng, từ khi được phát hiện, chuông Nhật Tảo vẫn “phơi nắng phơi sương” tại sân văn chỉ. Mãi đến năm 1994 khi chính quyền xã Đông Ngạc làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử, người dân nơi đây mới phát hiện, quả chuông có lịch sử lên tới hơn 1.000 năm. Cũng trong năm đó, chính quyền huyện Từ Liêm cùng nhân dân địa phương đầu tư, xây dựng lại đình Nhật Tảo, các cụ mới chính thức làm lễ “rước thánh hồi cung”, thỉnh chuông từ văn chỉ về đình.
Theo nghiên cứu của cố giáo sư Hà Văn Tấn, bài minh văn chữ Hán khắc trên thân chuông ghi ngày 29 tháng Tư năm Mậu Thân, niên hiệu Càn Hòa thứ 6 (tức năm 948). Càn Hòa là hiệu của Lưu Thạnh, vua Nam Hán, một nước thời Ngũ đại thập quốc đóng đô ở Quảng Châu (Trung Quốc). Nhưng, đây là quả chuông của người Việt, mà địa danh "thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ" trên thân chuông đã xác nhận.
"Niên hiệu Càn Hòa thứ 6" tức năm 948, thời điểm mà Dương Tam Kha đã chiếm ngôi nhà Ngô, tự xưng là Bình Vương được bốn năm. Nội dung minh văn nhắc đến Giáp Thìn 944, năm Ngô Quyền qua đời. Ông đã giành được nền độc lập, xưng vương nhưng vẫn chưa có niên hiệu.
Từ khi biết giá trị của chiếc chuông, các cụ cao niên trong làng luôn cắt cử người trông nom. Thế nhưng, kẻ gian vẫn lẻn được vào đình, phá khóa cửa chính tìm chuông để trộm. Như có “trời xui đất khiến”, tên trộm không tài nào tìm được quả chuông, chúng chuyển sang trộm đồ thờ, từ chiếc chóe đến lọ hoa, nậm rượu. Sau đó, các cụ họp bàn với nhau mang chuông đi giấu. |
Ông Hùng kể: “Tuy đình đã được tu sửa nhưng vẫn còn tan hoang, mọi người quyết định đem gửi ở những nhà kín cổng cao tường, có uy tín. Có thời điểm, chuông còn được chôn xuống dưới đất để không ai biết nhưng được một thời gian lại lo chuông bị hỏng.
Lúc ấy, các cụ đau đầu tìm ra phương án khác tốt hơn. Cuối cùng, mọi người đồng ý treo chuông lên nóc đình, giấu sau tấm bình phong. Nhưng, mỗi lần kiểm tra chuông vất vả bởi phải bắc thang, gỡ tấm bình phong ra mới lấy được chuông nên các cụ đã tìm phương án khác.
Nay, chúng tôi đã tìm ra một phương án cất giữ bí mật, nơi ấy chỉ có 4 người trong ban quản lý biết và phải có đủ có 4 người chuông mới có thể lấy ra được. Cứ 3 tháng, chúng tôi lại kiểm tra và đem chuông ra ngoài lấy linh khí của trời đất.
Còn chuông chỉ được đem ra bày ở đình vào 2 dịp là hội làng (tháng Hai) và giỗ tổ đình (tháng Chín) vào những năm chẵn, năm trọng. Quá trình giữ gìn quả chuông là sự chung sức của cả dân làng Nhật Tảo”.
Sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ
Theo hồ sơ tư liệu cục Di sản văn hóa, chuông Nhật Tảo là cổ vật độc bản, được xem là quả chuông duy nhất ở thế kỷ X được phát hiện cho đến nay ở Việt Nam. Bài minh trên chuông có thể coi là một trong những sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ trong lịch sử dân tộc được biết cho đến nay.
Chuông có hình dáng độc đáo, khác biệt so với các chuông chùa đã biết. Họa tiết trang trí trên chuông thể hiện đỉnh cao của của nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật đúc đồng thời bấy giờ. Minh văn trên chuông là nguồn sử liệu cho việc tìm hiểu xã hội người Việt thời tự chủ, giúp nghiên cứu lịch sử làng xã, tôn giáo của người Việt thế kỷ X.
Đây là hiện vật đầu tiên và duy nhất được biết cho đến nay thể hiện mối quan hệ song hành giữa Đạo giáo và Phật giáo, làm cơ sở cho việc hình thành tư tưởng Đạo - Phật - Nho cùng đồng hành trong đời sống tâm linh của người Việt thời Lý - Trần.
“Với giá trị to lớn của quả chuông, đợt nghìn năm Thăng Long, lãnh đạo ngành văn hóa muốn đưa quả chuông ra bảo tàng trưng bày. Chúng tôi họp dân, dân không đồng ý bởi quả chuông là chứng nhân hàng nghìn năm lập làng, giữ nước của người Nhật Tảo, trở thành vật thiêng của làng. Sau đó, lãnh đạo ngành văn hóa đưa ra phương án sẽ tạo ra phiên bản chuông Nhật Tảo với kích thước, chi tiết giống hệt”, ông Hùng kể lại.
Tháng 1/2020, chuông Nhật Tảo được công nhận là Bảo vật quốc gia. Theo ông Hùng chia sẻ: “Đây là tin vui đối với người dân làng Nhật Tảo nhưng cũng có cả nỗi lo về việc bảo vệ cũng như phát huy giá trị của quả chuông có một không hai này”.
Chuyện đình Nhật Tảo có chuông cổ quý giá lan truyền khắp nơi khiến những kẻ gian liên tục ghé thăm. Hầu hết, cổ vật trong đình đều đã mất cắp. Hiện nay, ngoài chiếc chuông Nhật Tảo còn giữ được thì chỉ còn 2 tượng phỗng gỗ đặt 2 bên trước lối vào hậu cung của đình và 2 bức phù điêu mang hình hài Kinara (cô tiên) được tạo tác, gắn trên nóc gian tiền tế.
Phong Linh/Người đưa tin