Hé lộ bằng chứng Triều Tiên chỉ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn
“Vị trí phóng, sự xuất hiện của vệt khói dày và chỉ có một rocket, tất cả những yếu tố này cho thấy đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Triều Tiên từng phô trương trong các chương trình mang nội dung tuyên truyền”, CNN dẫn lời ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Giải trừ hạt nhân khu vực Đông Á thuộc Viện Middlebury.
CNN có bằng chứng Triều Tiên chỉ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 4/5. |
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Middlebury ở Monterey cũng cung cấp cho CNN hai bức ảnh vệ tinh về vệt khói xuất hiện sau vụ phóng rocket của Triều Tiên hồi tuần trước.
Một quan chức Mỹ từng chia sẻ với CNN rằng, vụ phóng của Triều Tiên “có thể liên quan tới hệ thống rocket phóng đa nòng (MLRS) và khả năng là phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn”.
Theo CNN, vụ phóng tên lửa hôm 4/5 được xem là lời cảnh báo rõ ràng mà Chủ tịch Triều TiênKim Jong-un muốn nhắn gửi tới Mỹ vì sự trì trệ của các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước, sau khi thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội kết thúc mà hai bên không ký kết được bất cứ thỏa thuận nào.
Vụ phóng hôm 4/5 là vụ phóng thử tên lửa đầu tiên kể từ năm 2017 của Triều Tiên. Vụ phóng này diễn ra sau chưa đầy hai tuần Chủ tịch Kim Jong-un sang Nga để lần đầu tiên tiến hành họp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin.
Chuyên gia Lewis nhấn mạnh, khả năng trong thời gian tới, Triều Tiên sẽ còn cho tiến hành thêm các vụ thử tên lửa.
Cũng theo ông Lewis, Triều Tiên phóng loạt vật thể tầm ngắn từ lúc 9h06’ ngày 4/5. Tới lúc 10h, Bình Nhưỡng cho phóng một vật thể khác. Hình ảnh vụ phóng vào lúc 10h và vệt khói xuất hiện sau vụ phóng được Planet Labs, công ty hình ảnh vệ tinh hợp tác với Viện Middlebury chụp lại.
"Bức ảnh được chụp chỉ vài giây sau khi quả đạn rời bệ phóng, đúng lúc vệ tinh bay qua thao trường của Triều Tiên. Đó là bức ảnh triệu lần có một", ông Lewis cho biết.
Trong khi đó, chia sẻ với ABC News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận “vật thể Triều Tiên phóng có tầm bắn khá ngắn và được phóng từ khu vực bờ biển phía đông Triều Tiên, cũng như không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào đối với Mỹ hay Hàn Quốc và Nhật Bản”.
Mỹ - Triều hiện bất đồng về phương thức giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo đó, Triều Tiên muốn Mỹ xóa bỏ lệnh trừng phạt trước khi bắt đầu giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, Washington lại muốn Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân trước và sau đó mới gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Phát biểu trên ABC News, Ngoại trưởng Pompeo cũng cho biết, “Chúng tôi vẫn tin có cơ hội để tiến tới giải trừ hạt nhân rõ ràng và Mỹ hy vọng hai nước quay trở lại bàn đàm phán cũng như tìm kiếm giải pháp tiến tới mục tiêu này”.
Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định sau thượng đỉnh ở Hà Nội, Mỹ vẫn tiến hành đối thoại với các đại diện của chính quyền Triều Tiên.
CNN nhận định, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng hứa hẹn không cho phóng thử các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa. Do đó, vụ phóng hôm 4/5 không vi phạm thỏa thuận mà nhà lãnh đạo Triều Tiên từng ký kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Song hành động của Triều Tiên lại ảnh hưởng tới cam kết dừng phóng các loại tên lửa để gây dựng lòng tin với Hàn Quốc.
Video: Hé lộ bằng chứng Triều Tiên chỉ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn