Hậu Su-22 của Syria bị bắn hạ, khẩu chiến Nga - Mỹ lại "tái phát"
Nga cũng đã cho đình chỉ đường dây nóng được thiết lập với quân đội Mỹ tránh các cú va chạm không quân giữa hai bên.
Tờ New York Times cho biết, đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ bắn hạ máy bay Syria kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011. Vụ việc cũng xảy ra sau khi chiến đấu cơ Su-22 của Nga đã ném bom vào một căn cứ của quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn nhằm chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nó cũng theo sau một hành động quân sự của Mỹ chống lại chính quyền Syria: Một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình trả đũa cuộc tấn công khí độc giết chết rất nhiều công dân Syria hồi tháng Tư.
Mỹ bắn hạ máy bay chiến đấu của quân đội Syria. |
Sự gia tăng căng thẳng mới đây nhất là kết quả của việc có quá nhiều lực lượng đối lập tập trung tại một vùng không được kiểm soát của Syria. Quân đội Syria và lực lượng do Iran hậu thuẫn đã mở rộng phạm vi hoạt động tới sát sườn vùng đất do các lực lượng có Mỹ đỡ lưng đang nắm kiểm soát, bao gồm cả những lực lượng mà Lầu Năm Góc hy vọng sẽ đuổi được IS vào thung lũng sông Euphrates khi họ giành được lãnh địa của IS là Raqqa. Các cuộc va chạm giữa các lực lượng khác nhau đã tạo ra tình trạng các cuộc chiến tranh chồng chéo lẫn lộn với nhau.
“Sự leo thang xung đột giữa các phe phái đang hoạt động trong khu vực không giúp ích gì cho ai cả”, Sean Spicer, Thư ký Báo chí Nhà Trắng nói trước các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (19/6). Tổng thống Donald Trump đã cho phép các chỉ huy quân sự có tiếng nói nhiều hơn trong hoạt động chống lại IS, kêu gọi họ bao vây phiến quân trong thành trì và “tiêu diệt” họ.
Những cảnh báo mới nhất của Nga có thể chỉ “cho ra vẻ”, tờ New York Times bình luận. Quân đội Nga nhiều lần đe dọa cắt đứt đường dây nóng trong quá khứ, đặc biệt là sau vụ tấn công tên lửa của Mỹ hồi tháng Tư. Tờ New York Times cho rằng, Nga làm vậy “chỉ để tiếp tục và thậm chí tăng cường liên lạc với quân đội Mỹ hơn”.
Tuy nhiên, trong tình hình phức tạp và chuyển biến nhanh như hiện nay ở Syria, bất cứ một ngọn lửa nhỏ nào cũng có thể thổi bùng ngọn lửa vốn đã âm ỉ quá lâu.
“Không thể có một lúc nhiều lực lượng quân sự hoạt động trong một chiến địa mà không có mâu thuẫn. Nó tạo ra hiểm họa tiềm tàng xoay xung quanh những vấn đề không thể nào kiểm soát”, Douglas E. Lute, một vị tướng đã nghỉ hưu từng phục vụ cho NATO bình luận, “Các sự cố xảy ra trên bình địa hoặc trên không ở Syria đều có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến tính toán sai lầm”.
Các quan chức quân đội Mỹ đang cố gắng làm tình hình giảm căng thẳng, cho biết họ hy vọng thuyết phục được phía Nga tiếp tục kết nối đường dây nóng.
“Đây là những giờ phút nhạy cảm”, tướng Joseph F. Dunford Jr, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nhận định hôm thứ Hai. Ông thêm vào rằng Mỹ sẽ làm việc cả ở mặt trận ngoại giao lẫn quân sự để “giảm mâu thuẫn”.
Tuy nhiên, những tuyên bố mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga cho thấy tình hình đặc biệt nghiêm trọng. “Tất cả các vật thể bay, bao gồm máy bay và UAV của liên minh quốc tế, được xác định ở phía tây Euphrates, sẽ bị hệ thống phòng không Nga theo dõi như một mục tiêu”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Lầu Năm Góc khẳng định sẽ tiếp tục không kích tiêu diệt IS ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei K. Shoigu, thứ ba từ phải sang, tại một cuộc họp ở Moscow với Staffan de Mistura, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria. |
Vụ bắn hạ Su-22 của quân đội Syria là sự việc mới nhất trong một loạt các cuộc đối đầu giữa Mỹ và lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Lời đe dọa nhắm mục tiêu vào máy bay Mỹ của Nga đặt ra những biến cố tiềm năng mới, đặc biệt là ở Raqqa, nơi nằm trong phạm vi hoạt động của không quân Nga và Syria. Trung tướng Jeffrey L. Harrigian, chỉ huy không quân liên quân ở Syria nói, Nga đã nhắm mục tiêu radar vào máy bay của liên quân. Ông cũng cho biết, dù vẫn tiếp tục mục tiêu tấn công IS và hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria, ông đã ra lệnh điều chỉnh một số hoạt động của liên quân. “Chúng tôi xác định lại mục tiêu nhằm có thể quản lý và giảm thiểu nguy cơ cho lực lượng của mình ở mức độ hợp lý”, ông nói.
Tướng Harrigian từ chối cung cấp chi tiết các điều chỉnh.
Sau cuộc tấn công tên lửa của Mỹ hồi tháng Tư, không quân của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã sử dụng máy bay không người lái thay vì máy bay có lái, và dùng chiến đấu cơ F-22 dạo trên không hàng giờ ở phía bắc Syria. Điều này làm giảm nguy cơ phía quân đội Syria sẽ thực hiện các hành động trả đũa.
Tháng 9/2015, Nga và Mỹ ký một biên bản ghi nhớ nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ trên không giữa hai nước. Đường dây nóng được thiết lập cho phép Washington và Moscow thông báo cho nhau về các hoạt động của mình ở Syria, nơi Iran, Israel, Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cùng đồng minh của mình tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên nhắm vào lực lượng đối lập với mình.