Hậu Covid-19, ngày càng có nhiều bệnh truyền nhiễm hơn?
Trải qua đợt dịch Covid-19 đầu năm, sức khoẻ đi xuống, người thường xuyên có triệu chứng như cúm. Từ tháng 6/2022, gia đình chị Hằng (Tân Mai, Hà Nội) liên tục có người ốm, đi viện. Thậm chí, chồng chị Hằng bị Covid-19 không vấn đề gì nhưng khi bị cúm A đã phải vào BV Thanh Nhàn cấp cứu.
Chị Hằng kể, cả nhà 5 thành viên đều chia nhau ra ốm. Hầu như tháng nào cũng có người ốm. Bản thân chị Hằng cũng khổ sở vì dính cúm và vừa trải qua sốt xuất huyết.
Trước đây, chị Hằng thấy cúm hầu như rất ít, chỉ có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi uống thuốc là hết nhưng sang năm nay bị cúm A chị Hằng mới thấy ngấm. Hơn 40 tuổi, lần đầu tiên chị thấy cúm khủng khiếp như vậy.
Đến cuối tháng 10, chị lại bị sốt, đau nhức xương, hốc mắt nên vội vàng xét nghiệm. Kết quả chị mắc sốt xuất huyết. Con gái học lớp 9 cũng mắc giống chị. Cả nhà chị Hằng từ đầu năm quay cuồng vì bệnh truyền nhiễm.
TS BS Thân Mạnh Hùng – Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết sau khi bị Covid-19 nhiều người lại mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết và cúm trong thời gian qua tăng lên đáng kể.
Theo BS Hùng, có nhiều giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể và làm suy giảm hệ thống miễn dịch nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn.
Hiện nay chỉ triệu chứng sốt, đau họng, đau nhức mỏi người cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh nên tốt nhất nếu sốt kéo dài 2 ngày người bệnh nên đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm xác định bệnh gì tiện theo dõi bệnh hơn.
BS Hùng cho rằng tốt nhất chúng ta cần tăng cường lại hệ miễn dịch của chính mình bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, luyện tập thể dục thể thao, tiêm vắc xin đầy đủ nếu bệnh có vắc xin phòng.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế Công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM, trong năm nay chứng kiến nhiều dịch bệnh từ Covid-19 đến cúm, Adenovirus, sốt xuất huyết…
Có hai lý do khiến dịch truyền nhiễm sau Covid-19 tăng hơn:
Thứ nhất, sau thời gian cách ly nhiều bệnh không có nữa, sức đề kháng của con người giảm đi.
Thứ hai, Covid-19 cũng làm cho người ta yếu đi, dễ mắc bệnh khác hơn.
Nhưng lý do chính đó là thời gian cách ly Covid-19 bệnh cúm giảm đi và đến hiện tại bình thường mới thì bệnh truyền nhiễm gia tăng hơn.
Bởi vì theo chu kỳ bệnh cúm thường gia tăng sau 2 năm trở lại. Không riêng gì Việt Nam mà các nước ở châu Âu cũng có tỷ lệ bệnh hô hấp tăng lên trong đó có cúm.
So với Covid-19, cúm có tỷ lệ tử vong thấp hơn chỉ 0,4 %. Covid-19 nếu không có vắc xin tỷ lệ tử vong là 2%. Hiện Covid-19 đã có tiêm chủng nên nguy cơ của Covid-19 đã không còn nhiều nữa.
Bệnh truyền nhiễm thường nặng hơn thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim.
Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào có thể trạng sức khỏe tốt.
Đến thời điểm này, PGS Dũng cho rằng Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo cộng đồng phòng ngừa bệnh hô hấp như tránh xa nơi đông người, thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay, khử khuẩn, vệ sinh cơ quan hô hấp đúng như tình huống phòng Covid-19. Biện pháp tích cực nhất đó là tiêm phòng vắc xin cúm, Covid-19.
Ngoài cúm, Covid-19, bác sĩ Dũng cảnh báo bệnh hô hấp do hợp bào virus RSV cũng đáng báo động, không nên chủ quan. Cần diệt muỗi, ngủ màn phòng sốt xuất huyết.
Cơ quan y tế cũng khuyến cáo trước tình trạng dịch bệnh truyền nhiễm như hiện nay, những người bị sốt và nhiễm trùng đường hô hấp nên được khuyên ở nhà. Những người bị nhiễm cúm rất dễ lây cho người khác trong giai đoạn đầu của bệnh.
Khánh Chi