Hậu ám sát, thảm kịch ở Syria sẽ đi về đâu?
Kẻ bắn chết đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ |
Ngày 19/12 vừa qua, tại Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra vụ ám sát Đại sứ Nga Andrei Karlov. Trong khi nhà ngoại gia Nga phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, một thanh niên bất ngờ rút súng và bắn chỉ thiên, sau đó nổ súng vào ông Karlov rồi không ngừng hét lên: "Hãy nhớ đến Aleppo", "Hãy nhớ đến Syria"!"Allahu Akbar! "(Thánh Ala vĩ đại! - tiếng Ả rập).
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ tên này, và ngay lập tức đưa ông Andrei Karlov tới bệnh viện, nhưng do vết thương quá nặng đại sứ Nga đã qua đời sau đó.
Danh tính sát thủ được xác định là Mevlut Mert Altynash. Ban đầu thông tin cho biết tên này là một cựu cảnh sát, bị sa thải khỏi ngành an ninh vì có liên quan đến cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7 vừa qua. Báo cáo sau này cho thấy tên này vẫn là một nhân viên của lực lượng cảnh sát nước này nhưng không được "giao việc". Tài liệu của cảnh sát tiết lộ rằng tên này đã đột nhập vào triển lãm.
Một số nước, bao gồm cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thừa nhận vụ bắn chết nhà ngoại giao Nga này là một hành động khủng bố. Việc xét xử tội ác sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Dư âm Aleppo
Cố vấn của Giám đốc Học viện Nghiên cứu chiến lược Nga, chuyên gia của Hội đồng quan hệ quốc tế Nga bà Elena Suponina cho biết: "Vụ ám sát một lần nữa cho thấy việc giành lại Aleppo không phải là kết thúc lịch sử cho Syria. Nguy cơ khủng bố như thế này sẽ chỉ càng tăng lên, bởi những kẻ có quan điểm cực đoan đang đối mặt với những nguy cơ".
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Trung Á ông Semyon Bagdasarov nhận định rằng các hành động khủng bố là hậu quả của những chiến dịch thành công của lực lượng quân đội chính phủ Syria và Lực lượng không gian vũ trụ Nga tại lãnh thổ Aleppo của Syria.
Ông Semyon Bagdasarov cho biết: "Nhiều người trong số chiến binh là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, nên không ngạc nhiên lắm khi trong số các công dân Thổ Nhĩ Kỳ thì số người có quan điểm chống Nga hiện đang tăng lên đáng kể".
Theo ông, Nga vẫn còn đánh giá thấp mức độ nguy cơ khủng bố đang tăng lên đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ sau các sự kiện diễn ra ở Syria. Sau thất bại của cuộc đảo chính,thì mối quan hệ giữa hai nước mà trước đó đã bị đổ vỡ bởi vụ bắn rơi máy bay quân sự Nga trên lãnh thổ Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đã trở nên ấm lại. Moscow đã bắt đầu bàn đến một sự hợp tác kinh tế mới với Thổ, tiếp tục cho phép các du khách từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ du lịch.
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị ám sát |
Sự hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Yuri Bialy, Phó chủ tịch của Quỹ xã hội cho biết, hiện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang phải rất khó khăn đối mặt với tình hình nội bộ. Tại nước này, các phe nhóm chính trị có nhiều mâu thuẫn và có những nhận thức khác nhau về bản chất của chủ nghĩa yêu nước.
Ông Bialy phân tích: "Những mâu thuẫn giữa các lực lượng này đã dẫn đến cuộc đảo chính xảy ra hồi tháng 7, mặc dù đã bị dập tắt, nhưng các tổ chức này vẫn tồn tại ở mọi cấp độ đời sống, chính trị, kinh tế và cả chính quyền. Và họ đang tìm cách sửa đổi chính sách nội bộ và đối ngoại của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bằng mọi biện pháp".
Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga ông Fyodor Lukyanov nhận định: "Những năm gần đây chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra bất ổn trong nước. Thay vì tăng cường ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông, thì ông Erdogan lại có mong muốn can thiệp chủ động, đặc biệt trong trường hợp Syria thì điều này đã phản tác dụng. Nó tăng cường sự hỗn loạn cho Trung Đông và gây bất ổn cho Thổ Nhĩ Kỳ".
Các chính trị gia tại Thổ Nhĩ Kỳ và giới truyền thông nghi ngờ trong vụ ám sát Đại sứ Nga có bàn tay của giáo sĩ Fethullah GuLen, hiện đang lưu vong tại Mỹ. Tuy ông Gulen đã công khai lên án tội ác và gọi đó là "hành động khủng bố tàn bạo", nhưng ông Anatoly Tsyganok, người đứng đầu Trung tâm Dự báo quân sự cho rằng đây chỉ là ngụy tạo.
Nhà phân tích quân sự lưu ý rằng, thời điểm này bản thân ông GuLen cũng không được tự do hành động mà phải luôn sẵn sàng làm theo ý muốn của đất nước đã cho phép ông này tị nạn là Mỹ. Ông Tsyganok nhận xét: "Kể từ sau thất bại của cuộc đảo chính, mối quan hệ với Nga được thiết lập lại. Thì việc trả thù hiệu quả nhất sẽ là phá ngang mối quan hệ đang ấm lên này. Và tổ chức của ông GuLen có chi nhánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng là lực lượng tổ chức vụ ám sát".
Mục đích gây mâu thuẫn giữa Moscow và Ankara
Trong một cuộc họp báo ở Moscow, Tổng giám đốc Trung tâm thông tin chính trị Alexei Mukhin nhấn mạnh: "Vụ ám sát Đại sứ Nga là một kế hoạch cẩn thận và thông minh, mà những người tổ chức ra nó chắc đã phải tính đến hậu quả nhất định, bao gồm cả việc một lần nữa phá hỏng mối quan hệ Nga-Thổ, và hậu quả của nó sẽ trợ giúp cho các tổ chức khủng bố như IS và "Mặt trận Al- Nusra" tiếp tục hoành hành ở Syria".
Nhà nghiên cứu tại Viện an ninh quốc tế đồng thời là chuyên gia của Hội đồng quốc tế Nga, ông Alexei Fenenko lưu ý, rằng vụ ám sát một lần nữa chỉ rõ ra có những thế lực đang phá hoại mối quan hệ Nga-Thổ. Ông cho rằng, đó là thế lực bên ngoài - đối tượng được lợi trong trò này có thể là hai nhóm Hồi giáo theo chế độ quân chủ vùng Vịnh đang quan tâm đến sự suy yếu của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nhóm nước phương Tây".
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia này cho biết: "Đây là lần thứ tư trong hai năm qua có những nỗ lực đẩy Nga và Thổ vào thế phải lựa chọn: Hoặc là một Thổ Nhĩ Kỳ có nội bộ bất ổn hơn nữa, hoặc Nga và Thổ phải tách nhau ra, và ngáng đường Nga tới Biển Địa Trung Hải".
Ông Yuri Bialy cũng lưu ý đến một loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra trong những ngày gần đây: xả súng tại Zurich, ám sát đại sứ Nga, nổ súng đại sứ quán Mỹ, đâm xe vào đám đông tại hội chợ Giáng sinh ở Berlin.
Tổng thống Nga Putin và Thổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Moscow và Ankara sẽ cùng nhau chống khủng bố
Cách duy nhất để đối đầu với sự tăng cường các nguy cơ khủng bố là vượt qua khác biệt để cùng tham gia vào lực lượng chống khủng bố. Các chuyên gia cho biết, Nga và Thổ có thể làm điều này, dù cho những gì đã xảy ra hay có một số khác biệt giữa hai nước. Theo đó, vụ ám sát nhà ngoại giao Nga sẽ gây ra tác dụng ngược lại, không như mong muốn của bọn khủng bố.
Syria sắp đi đến một giai đoạn mới. Chiến thắng ở Aleppo đã rõ nhưng vẫn chưa biết lực lượng nào sẽ tham gia vào việc tái lập đất nước này. Và sẽ thật hữu ích nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác trong vấn đề Syria.
Nhà phân tích Anatoly Tsyganok nhận định: "Ít nhất thì Nga cũng có cơ hội nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đối thủ của mình trong vấn đề giải quyết tình hình Syria. Tuy nhiên việc này không phải dễ, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác khó khăn có vị thế riêng của mình và kiên quyết bảo vệ nó. Nhưng sự kiện đáng tiếc vừa xảy ra ở Ankara đã mở ra cơ hội để ông Erdogan vơi đi gánh nặng tội lỗi và trách nhiệm sau những gì xảy ra".
Tờ The Washington Post của Mỹ đã đưa ra nhận xét, cuộc tấn công khủng bố ở Ankara chẳng những không "đào hố chôn" mối quan hệ giữa Moscow và Ankara, mà còn khuyến khích hai bên hợp tác chống khủng bố.
Tờ báo kết luận: "Vấn đề đặt ra là, liệu ông Erdogan có sẵn sàng?"