Harvard nghiên cứu áo giáp “Người Sắt” cho binh lính Mỹ
Harvard nghiên cứu áo giáp “Người Sắt” cho binh lính Mỹ
Bộ áo giáp "Người Sắt" sẽ sớm được hiện thực hóa |
Cơ quan dự án nghiên cứu phòng thủ tiên tiến (DARPA) của Mỹ đang tích cực đầu tư cho các nhà nghiên cứu thiết kế một bộ áo giáp thông minh, không chỉ cải thiện sức mạnh chiến đấu mà còn tăng độ dẻo dai cho các binh sĩ.
Đây cũng chính là lý do để nhóm kỹ sư sinh học tại Viện Kỹ thuật sinh học Wyss thuộc Đại học Harvard nhận được 2,6 triệu USD tiền đầu tư dự án từ DARPA. Việc xây dựng một chiếc áo “Người Sắt” nằm trong chương trình chiến lược của Bộ Quốc Phòng Mỹ.
Bộ áo giáp này sẽ được gắn các thiết bị cảm biến và trang bị hệ thống tự cung cấp năng lượng hoạt động, tránh sự mệt mỏi, đồng thời giúp binh lính di chuyển quãng đường xa hơn trên chiến địa, cũng như tăng sức mạnh và tránh nguy cơ bị thương tích khi mang trên người khối lượng trang thiết bị lớn.
Theo Đại học Harvard, bộ đồ đặc biệt này được thiết kế với trọng lượng nhẹ, hiệu quả hoạt động cao và không ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu. Bộ giáp được chế tạo từ các thiết bị di động và khá nhẹ, và được kết nối với các thiết bị cảm biến có khả năng đàn hồi, giúp kiểm soát cơ chế sinh học của cơ thể.
Ngoài ra, công nghệ rung mức độ thấp cũng được ứng dụng trên bộ đồ giáp sẽ tăng cường mọi chức năng cảm nhận của cơ thể và giúp người mặc cảm nhận rõ hơn về sự cân bằng.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu để xây dựng một thiết bị di động có khả năng tăng cường các chức năng cơ thể cho con người.
Cyberdyne – một công ty của Nhật Bản đã cho ra đời một bộ xương ngoài robot vào năm 2009. Thiết bị này được đặt tên là “Robot Suit HAL”, giúp những người khuyết tật có thể đứng dậy, đi bộ và thậm chí leo cầu thang.
Vào mùa xuân năm 2011, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California tại Berkeley (Mỹ) cũng đã xây dựnG một bộ xương ngoài robot làm bằng kim loại giúp một sinh viên bị liệt có thể đi bộ lên khu vực sân khấu và nhận tấm bằng cử nhân trong buổi lễ tốt nghiệp đại học. Bộ khung ngoài này được gắn xung quanh chân của cậu sinh viên và quá trình hoạt động được kiểm soát qua một nút điều khiển.
tần khanh