Hành động 'điên rồ' của người đàn ông liên tục bị mất trộm lan quý
Bộ sưu tập lan rừng lớn nhất Việt Nam
Sáng tháng 6 nắng đẹp, ông Đỗ Tuấn Hưng (SN 1972) rảo bước dưới tán cây xanh mát trong Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Dưới những vệt nắng xuyên qua kẽ lá, ông vuốt ve, ngắm nhìn chùm lan rừng rũ xuống từ nhánh cây.
Không gian nơi đây trong mát, ngập tràn hương thơm của hàng ngàn giò lan rừng quý hiếm. Ông Hưng yêu thích loài hoa này từ những năm còn công tác trong ngành lâm nghiệp.
Thời gian đó, ông thường xuyên đi rừng. Ông mê đắm khi thấy vẻ đẹp thuần khiết của nhánh lan rừng bung nở trên những tán cây nên tìm cách sưu tầm và mơ ước có một vườn lan rừng trong vườn nhà. Những giò lan đầu tiên được ông mang về từ những chuyến công tác ở rừng.
Sau đó, ông gom nhặt lan từ các khu rừng đang khai hoang chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ông cũng trao đổi, xin giống từ những người chơi lan trong nước và mua lại từ chợ lan rừng…
Khi có trong tay những loài lan quý hiếm cũng là lúc ông Hưng phát hiện lan rừng dần biến mất, bị đưa khỏi rừng đem về xuôi.
Ông nói: “Tôi luôn có cảm giác mình có nợ với rừng, với phong lan rừng. Mỗi khi có dịp trở lại những khu rừng từng đầy ắp hoa lan nhưng nay không còn, tôi rất xót xa, tiếc nuối. Thế nên tôi quyết định làm khu bảo tồn lan rừng để con cháu và các thế hệ sau được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lan rừng trong tự nhiên”.
Năm 1995, ông Hưng mua khu đất trên ngọn đồi trọc thuộc xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Sau đó, ông chuyển lan từ vườn nhà vào cấy lên những cây rừng còn sót lại ít ỏi trong khu đất.
Song song với việc này, ông tái sinh rừng, trồng thêm cây để có chỗ gắn, cấy lan quý. Từ đám cây rừng ít ỏi, sau ít năm, mảnh đất trên đồi trọc của ông lại trở thành khu rừng nhỏ.
Có rừng, ông trả những loài lan quý hiếm về lại với cuộc sống tự nhiên. Ông bó, cấy, gắn lan rừng lên thân, cành cây sống trong khu rừng nhỏ của mình.
Thời gian đầu, ông chỉ tưới nước cho lan mau bám rễ. Khi lan đã sống, ông để cây phát triển tự nhiên như từng sinh sôi nảy nở trong rừng già. Bằng cách này, ông hình thành Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư.
Hiện, Khu bảo tồn có trên 10.000 giò lan với trên 200 loại lan rừng quý hiếm như: Thủy tiên trắng, Nghinh xuân, Giả hạc, Huyết nhung, Phượng vĩ, Giáng hương trắng, Hoàng nhạn…
Năm 2017, Khu bảo tồn lan rừng Trob Bư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) vinh danh “Bộ sưu tập lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam”.
Bảo tồn giống lan rừng
Ngoài hơn 10.000 giò lan rừng được cấy, bó vào thân cây, kẽ đá, Khu bảo tồn Troh Bư còn có gần 1.000 loại cây và hoa khác. Trong số này có đến 300 cây trồng là giống bản địa, đặc hữu được ông Hưng tái sinh tại chỗ.
Khu bảo tồn giúp người dân xung quanh có không gian xanh mát để hoài niệm về những khu rừng ngập tràn hương sắc hoa phong lan. Nơi đây còn là nguồn cảm hứng cho người dân địa phương trong việc bảo vệ rừng, cải tạo nương rẫy theo hướng vườn rừng sinh thái.
Tuy vậy, trước đây, khi đưa ra ý tưởng thành lập khu bảo tồn lan rừng phi lợi nhuận, ông Hưng từng bị người đời chê cười, cho đó là việc làm điên rồ. Bên cạnh đó, ông còn liên tục đối mặt với tình trạng mất trộm lan quý.
Đến nay, những khó khăn trong công việc này vẫn đeo đẳng ông mỗi ngày. Để có kinh phí duy trì việc gìn giữ, phát triển giống, gen quý của lan rừng Việt Nam, ông Hưng quyết định cho thuê khu bảo tồn làm du lịch.
Thế nhưng, ông lại sớm hối hận về quyết định ấy. Bởi, đơn vị thuê không chú trọng việc bảo tồn lan trong khu rừng ông dành nhiều tâm huyết để tái sinh. Việc này cũng khiến khu bảo tồn mất đi giá trị thực.
Ông chia sẻ: “Bảo tồn lan rừng Việt Nam là đam mê và cũng là cái nợ cả đời của tôi. Thế nên tôi sẽ luôn cố gắng duy trì công việc này. Nhưng nếu chỉ đơn thuần làm bảo tồn lan, tôi sẽ phá sản và không có kinh phí để duy trì.
Vì vậy, tôi phải tiếp tục cho thuê Khu bảo tồn lan rừng Trob Bư. Tuy nhiên, tôi sẽ duy trì đam mê bảo tồn lan rừng ở một khu vực mới, cách khu cũ khoảng 15km”.
Ông Hưng sẽ đặt tên cho khu mới là Khu bảo tồn lan Troh Bư 2. Về cơ bản, nơi đây cũng sẽ tái sinh cây rừng làm nơi sinh sống của các loài lan rừng quý hiếm.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng tiếc nuối cho biết, nơi đây sẽ không bao giờ nhiều cây rừng theo dạng vườn bách thảo như Khu bảo tồn lan Troh Bư cũ.
Ông tâm sự: “Tôi muốn góp được chút gì đó trong công cuộc gìn giữ giống, gen quý của lan rừng Việt Nam. Tôi có cảm giác được sinh ra để làm điều đó. Tất cả cứ đến rất tự nhiên và tôi đã làm được nhiều hơn những gì mình ao ước”.
Hà Nguyễn