"Hãnh diện" dù chỉ được nằm điều trị ngoài hành lang bệnh viện
Bà Nhuần thấy hãnh diện dù chồng đang bị bệnh chỉ nằm ngoài hành lang bệnh viện trung ương điều trị hơn là phải về bệnh viện tỉnh. |
Bệnh nhân thà nằm hành lang viện lớn còn hơn về bệnh viện tỉnh
Khoa Nhiễm Khuẩn tổng hợp của Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương được xem là khoa luôn trong tình trạng “quá tải” của bệnh viện. Ở thời điểm mùa dịch bệnh, khoa chỉ có 35 giường bệnh nhưng lên đến 70 -80 bệnh nhân. Chính vì thế, các bác sĩ phải thiết kế cả giường bệnh ra ngoài hành lang của bệnh viện để bệnh nhân có thể nằm điều trị.
Bà Nguyễn Thị Nhuần - Thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang đang chăm sóc chồng tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tâm sự, dù nhập viện đã mấy ngày, chồng bà chỉ được nằm ngoài hành lang nhưng với bà thế này cũng đủ cho bà cảm thấy “hãnh diện” hơn là phải về tuyến dưới điều trị.
“Dù phải nằm hành lang nhưng tôi thấy hãnh diện lắm vì nằm ở hành lang mà biết bệnh gì để chữa còn tốt bằng trăm lần nằm trong phòng điều hòa mà không biết bị bệnh gì.
Trước đó, chồng tôi bị sốt nhẹ nhiều ngày, gia đình đưa vào bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh nằm điều trị cả tuần không biết là bệnh gì. Cứ khỏi sốt được thời gian ngắn lại sốt lại. Bệnh viện tỉnh xét nghiệm máu nhưng vẫn không ra bệnh. Chúng tôi sốt ruột quá nên làm giấy xin chuyển viện lên tuyến trung ương.Khi lên đến đây, bác sĩ làm xét nghiệm chẩn đoán bị viêm màng não”.
Tuy nhiên, để bệnh nhân không phải nằm ghép, bệnh viện đã kê thêm giường bệnh ra hành lang. Ông Kính khẳng định dù là hành lang nhưng rất sạch sẽ, rộng rãi và kín gió, đủ điều kiện để chữa bệnh. Bệnh nhân nằm ngoài hành lang cũng được điều trị và chăm sóc như ở trong phòng, không có phân biệt.
Cần “hành lang” cho bác sĩ nếu giảm tải
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng - trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Từ thực tế, tiến sĩ Hùng cho biết để chuyển bệnh nhân về tuyến dưới phải thay đổi chế độ thuốc, dịch vụ liên quan đến BHYT tuyến dưới.
“Ví dụ có bệnh nhân chúng tôi đang điều trị bằng thuốc đặc trị, thuốc này không có ở tuyến tỉnh, nếu có họ cũng không đủ trình độ điều trị nên có bệnh nhân sau khi về tỉnh điều trị được vài hôm thì chính bệnh viện tỉnh lại chuyển bệnh nhân lên vì không thể điều trị được.
Nếu bệnh viện không nhận bệnh nhân thì đương nhiên phải có hành lang an toàn cho bác sĩ nếu muốn duy trì tình trạng không nằm ghép. Trong bệnh viện Nhiệt đới cũng có những bệnh nhân không thuộc bệnh viện điều trị, ví dụ như bệnh nhân của Bệnh viện 198 - Bộ Công an nhưng họ tình nguyện vào và chấp nhận nằm ghép, vậy bác sĩ phải làm sao?”.
Chính vì thế, TS Hùng cho rằng trong thời gian sắp tới, Bộ Y tế muốn đi đến mục tiêu tốt đẹp mỗi người bệnh một giường thì cũng có một khoảng thời gian giãn ra và ngay trong một bệnh viện cũng nên quy định có khu vực được nằm ghép.
Tại khoa của tiến sĩ Hùng cũng có những bệnh nhân điều trị nhiễm trùng máu do nấm điều trị mất 3 tháng. Trong khi đó, bệnh nhân mới vẫn vào liên tục thì bác sĩ chỉ còn biết sử dụng kỹ năng ứng xử để tư vấn cho bệnh nhân chuyển viện.