Hàng triệu bệnh nhân Iran bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt
Nhật báo Iran dẫn lời Fatemeh Hashemi, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ Những căn bệnh đặc biệt (Foundation for Special Diseases), cho biết, các biện pháp trừng phạt đối với ngành ngân hàng của Iran đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nhập khẩu thuốc và các thiết bị y tế phục vụ cho việc chữa trị các căn bệnh phức tạp.
Các lệnh trừng phạt đã làm phức tạp nghiêm trọng giao dịch ngân hàng, gây tăng giá và thậm chí là thiếu hụt các sản phẩm y tế mặc dù chúng không nhắm trực tiếp vào việc bán các loại thuốc và thiết bị y tế của Iran.
Bà Hashemi cho hay: "Chúng tôi bị thiếu các loại thuốc chữa bệnh ung thư và nhiều loại thuốc chữa bệnh đa xơ cứng. Tất nhiên, cả bệnh nhân thiếu máu và cần lọc máu cũng là đối tượng bị tác động”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã cảnh báo Liên Hợp Quốc rằng các hoạt động nhân đạo ở Iran đã bị tổn hại bởi các biện pháp trừng phạt. Ảnh: Internet. |
Dược sĩ Mohammad Hossein Hariri gần đây cũng đã nói với hãng tin ISNA của Iran rằng: “Giá thuốc sản xuất trong nước đã tăng 15 đến 20% trong ba tháng qua, còn giá thuốc nhập khẩu tăng tới 80%”. "Chúng ta có nguy cơ phải phải đối mặt với khủng hoảng y tế trong tương lai gần nếu các nhà chức trách không giải quyết việc sản xuất và nhập khẩu thuốc”.
Hồi tháng 8, bà Hashemi đã viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi ông này can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho các bệnh nhân Iran và cho rằng những bệnh nhân này đã bị các biện pháp trừng phạt lấy đi nhân quyền cơ bản.
Đầu tháng 10 vừa qua, trong một báo cáo ông Ban Ki-moon đã cảnh báo Liên Hợp Quốc rằng các hoạt động nhân đạo ở Iran đã bị tổn hại bởi các biện pháp trừng phạt. Ông nói: “Các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã ảnh hưởng lớn đến người dân đất nước này nói chung, bao gồm cả việc leo thang giá cả của các mặt hàng tiêu dùng, năng lượng, tỷ lệ thất nghiệp tăng và sự thiếu thốn các vật dụng cần thiết bao gồm cả thuốc và các thiết bị y tế”.
Ông cũng cho biết thêm: “Ngay cả các công ty có đủ giấy phép cần thiết để nhập khẩu lương thực và thuốc men cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm ngân hàng ở nước thứ ba để xử lý các giao dịch".
Đây cũng là lần đầu tiên một quan chức Iran liên hệ những ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với ngành y tế. Trước đó, Iran đã từng nhiều lần tuyên bố các lệnh trừng phạt có rất ít tác động đối với đất nước này.
Iran đang phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt từ Mỹ, Liên minh Châu âu (EU) và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm gây áp lực buộc nước này kiếm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Các cường quốc phương Tây nghi ngờ Tehran đang sử dụng chương trình hạt nhân để phát triển vũ khí hạt nhân; trong khi đó, Iran luôn phủ nhận cáo buộc này và cho biết các hoạt động hạt nhân của mình hoàn toàn chỉ nhằm mục đích hòa bình.