Hàng nghìn bà mẹ mắc sai lầm ninh xương cho con ăn để bổ sung canxi
Thói quen hầm xương lấy nước nấu cháo, nấu canh cho con với hi vọng bổ sung canxi là một sai lầm rất nhiều mẹ bỉm sữa mắc phải.
Chị Nguyễn Thị Hường (Hà Nội) khoe chị chăm con rất cẩn thận, tự tay nấu từng bữa ăn cho con. Thế nhưng không hiểu sao con trai chị đã 2 tuổi mà chưa nặng tới 10kg.
Chị Hường chia sẻ, từ khi sinh con, chị nghỉ hẳn công việc để ở nhà chăm con. Ngoài thời gian túc tắc bán hàng online, chị dành hết tâm sức vào chuyện bỉm sữa, cơm cháo.
Từ lúc con ăn dặm tới giờ, ngày nào chị cũng mua xương cục, xương sườn về hầm kỹ rồi lấy nước xương nấu cháo, nấu canh cho con ăn.
Chị tin rằng việc hầm xương sẽ đảm bảo bé vừa đủ chất đạm vừa bổ sung canxi, các chất từ xương hầm tinh ngon hơn là con phải ăn thô như nhai thịt thông thường.
Thế nhưng, khi cho con đi khám dinh dưỡng, nghe bác sĩ chẩn đoán và tư vấn thì chị Hường mới "ngã ngửa" biết từ trước tới nay việc chăm sóc con của chị sai bét dẫn tới việc con lười ăn, có thời điểm ăn nhưng chẳng tăng cân, người gầy, tóc rụng vì thiếu vitamin D, canxi và nhiều khoáng chất.
Nhiều mẹ có thói quen hầm xương với suy nghĩ bổ sung canxi cho con. (ảnh minh họa) |
Theo PGS Lê Bạch Mai – nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, hầm xương để tẩm bổ cho con là sai lầm của cả nghìn bà mẹ mắc phải dẫn đến nhiều trẻ còi cọc, biếng ăn.
Quan điểm hầm xương để lấy dinh dưỡng, canxi bổ sung cho trẻ là không đúng. Xương có chứa canxi nhưng để ninh xương lấy được canxi bổ sung cho bữa ăn thì cực kỳ khó, phải ninh như ninh cao hổ cốt. Khi ninh xương bình thường thì nước thôi ra chỉ toàn chất béo từ tuỷ xương, không hề có canxi như người ta vẫn nghĩ.
Trẻ ăn nhiều cháo xương hầm, nước xương hầm chỉ làm trẻ mau ngán và gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Thị Cúc – Bệnh viện Đa khoa An Việt cũng cho biết hàng ngày bà vẫn gặp nhiều người mẹ đưa con tới khám vì lười ăn, hay ốm. Khi hỏi về việc chăm sóc bữa ăn cho con, trong 10 mẹ thì có tới 5,6 mẹ hầm nước xương cho con ăn hàng ngày.
BS Nguyễn Thị Cúc tư vấn cho bệnh nhân. |
Theo bác sĩ Cúc, đối với trẻ nhỏ, việc hấp thụ chất béo là một điều cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. So với lúc sinh, cân nặng của bé sẽ tăng dần, tăng gấp 3 lần khi bé 1 tuổi và tăng gấp 4 lần lúc bé 2 tuổi.
Từ 6 tháng đến 3 tuổi, trọng lượng của bộ não tăng lên đến mức bằng 80% so với bộ não của người trưởng thành. Từ năm thứ 3 trở đi, bộ não của trẻ vẫn phát triển nhưng chậm dần và đến năm 6 tuổi, cấu trúc kết nối của bộ não đã gần như hoàn thiện. Trong khi đó, chất béo chiếm khoảng 70-85% cấu trúc não và dây thần kinh. Vì vậy trong thời gian này trẻ cần được bổ sung lượng chất béo phù hợp.
Dù nước hầm xương cũng chứa nhiều chất béo nhưng đó là chất béo động vật, khó tiêu hóa. Nếu trẻ ăn quá nhiều có thể dẫn đến bị tiêu chảy. Chính vì vậy, quan điểm dùng nước hầm xương để nấu cháo, nấu bột cho trẻ là hoàn toàn sai lầm.
Thực tế, nước hầm xương chỉ có tác dụng là mang lại vị ngọt và mùi thơm. Trong nước thịt, nước xương hầm có nhiều nitơ, tạo cảm giác ngon miệng, vị thơm nhưng có rất ít đạm và canxi.
Ngoài vị thơm ra, nước xương không có đủ dinh dưỡng, hơn nữa còn gây khó tiêu, dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Bác sĩ Cúc cho biết protein trong thịt, cá, tôm… dù bã nhưng vẫn nhiều hơn là hầm lấy nước. Nếu trẻ chỉ ăn phần nước hầm sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu máu. Trẻ còn dễ bị táo bón, thiếu chất xơ nếu mẹ chỉ cho con ăn nước hầm.
Vì vậy, mẹ nên cho trẻ ăn tất cả các phần thực phẩm bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Khánh Chi