Hàng loạt quan chức ngoại giao Mỹ từ chức
Hiện vẫn chưa rõ những người này từ chức để phản đối Tổng thống Donald Trump hay bị chính quyền mới trực tiếp bãi nhiệm. Các quan chức đồng loạt rời cương vị của mình gồm ông Patrick Kennedy, người giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách quản lý từ năm 1973 đến nay cùng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joyce Anne Barr, Michele Bond và Đại sứ Gentry O. Smith.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi đưa ra quyết định đầu tiên của mình. |
Theo hãng tin CNN, bốn người này đều đã gửi thư tới Nhà Trắng để yêu cầu chấp nhận mong muốn từ chức của họ. Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Gregory Starr và Giám đốc Cục Giám sát Bất động sản nước ngoài Lydia Muniz đã tuyên bố nghỉ hưu đúng ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống.
Một số cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cùng nhiều chuyên gia chính trị cho biết, thông thường khi một Tổng thống mới lên nhậm chức, một số quan chức sẽ rời nhiệm sở của mình. Tuy nhiên, việc đồng loạt từ chức đột ngột của những nhân vật cấp cao trong bộ máy nhà nước là điều này chưa từng xảy ra trong quá khứ.
“Đây là điều bất thường bởi đây là những nhân vật trụ cột có nhiệm vụ thực hiện những chính sách đối ngoại mà chính phủ đề ra vào thực tiễn”, ông Richard Boucher, người từng là phát ngôn viên cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell và Condoleezza Rice cho biết.
“Họ là những người giám sát hoạt động của các đại sứ quán trên toàn thế giới, đồng thời đảm bảo an ninh cho các quan chức ngoại giao, phê duyệt đơn xin visa v.v…”, ông Boucher nói thêm. “Họ rất quan trọng nếu chính quyền Tổng thống mới muốn chính sách đối ngoại của mình được thực hiện hiệu quả”.
Ông Eliot Cohen, cựu quan chức thời Tổng thống George W. Bush cho biết ông “chưa từng thấy sự kiện nào như vậy xảy ra trong quá khứ”. “Chính quyền mới có thể tìm được người thay thế, nhưng khi anh mất nhiều quan chức quan trọng như vậy thì sẽ rất khó để bù đắp”, ông Cohen nói. “Đây là một đòn đánh mạnh. Chính phủ không giống như một doanh nghiệp, anh không đơn giản chỉ đưa người mới và hi vọng họ sẽ thực hiện đúng yêu cầu của mình ngay lập tức”.
Ví dụ, ông Patrick Kennedy có trách nhiệm quản lý “nhân lực, ngân sách, cơ sở hạ tầng, công nghệ, các hoạt động tài chính, hoạt động ở các lãnh sự, đàm phán và đảm bảo an ninh cho các quan chức Bộ Ngoại giao”. Ông Smith có nhiệm vụ “đảm bảo an toàn cho những nhiệm vụ ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài”.
Ông Boucher nói rằng việc các quan chức nêu trên đồng loạt từ chức đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu rằng chính quyền ông Trump thực sự “hiểu được chức năng của các bộ phận trong một cơ quan ngoại giao hay không”.
“Nếu anh muốn thực thi chính sách mới, anh phải cần những người có tinh thần chuyên nghiệp ở cấp cao”, ông Boucher nói. “Những người đã ra đi là những quan chức đã đóng góp lâu năm cho đất nước và phục vụ cho cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ”.
Ông Joe Cirincione, giám đốc tổ chức an ninh quốc tế Quỹ Ploughshares và là người đã làm việc trong chính phủ Mỹ 35 năm cho biết, sẽ rất khó để thay thế “khả năng cũng như kinh nghiệm phong phú của những quan chức nêu trên”.
“Anh có thể đưa thêm nhiều người trẻ tuổi hoặc những người thân cận với anh trong chiến dịch tranh cử, nhưng rất có thể họ sẽ không thể nào có được kỹ năng điều hành, lòng tin cũng như kinh nghiệm để đảm nhận những chức vụ bỏ trống trên”, ông Cirincione nói. “Đây là một tổn thất rất lớn khó có thể bù đắp”.