Hàng loạt ngân hàng Trung Quốc bỏ họp tại Nhật Bản
Nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc cho biết họ đã hủy bỏ tham gia vào các cuộc họp thường niên cấp cao của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được tổ chức tại Tokyo vào tuần tới cũng như các sự kiện bên lề các cuộc họp này. Một số ngân hàng còn công bố không tham gia cả một hội nghị tài chính lớn khác dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Osaka phía tây của Nhật Bản vào cuối tháng này.
Hầu hết các ngân hàng đã không đưa ra một lý do về việc rút lui vào phút chót này. Tuy nhiên, động thái trên diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang leo thang do những tranh cãi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã thể hiện sự không hài lòng của mình bằng cách hủy bỏ một số sự kiện ngoại giao và cử tàu tuần tra vào vùng biển mà Nhật Bản cho rằng thuộc lãnh hải của mình. Một số công ty Nhật Bản cũng đã cho biết nhu cầu đối với hàng hóa của họ ở Trung Quốc bị sụt giảm, hàng hóa của họ bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt hơn và các thủ tục tại các cảng Trung Quốc bị chậm chễ hơn.
Một lãnh đạo của một ngân hàng cho biết tranh chấp đảo có lẽ chính là lý do cho việc rút khỏi các cuộc họp này của các ngân hàng Trung Quốc.
Một quan chức thuộc chi nhánh Tokyo của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã nói: "Thẳng thắn mà nói, đó là do mối quan hệ Trung – Nhật hiện nay” khi giải thích về nguyên nhân ngân hàng này rút khởi các sự kiện của IMF cũng như hội nghị ở Osaka”.
Hành động này của các ngân hàng Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất thể hiện rằng quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang bắt đầu ảnh hưởng đến phạm vi kinh tế rộng lớn hơn, và không còn chỉ là những tranh cãi trong khu vực.
Cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới là sự kiện tập trung lớn nhất các quan chức tài chính và kinh tế, các tổ chức phi chính phủ và các ngân hàng. Các nhà tổ chức ước tính có khoảng 20.000 đại biểu sẽ tới Tokyo để tham dự hàng loạt các cuộc họp và hội thảo, diễn ra thứ Tư đến Chủ nhật tuần tới.
Trung Quốc từ lâu luôn tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn trong các diễn đàn toàn cầu như thế này khi nền kinh tế của đất nước này đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng việc để cho những căng thẳng song phương ảnh hưởng đến các lĩnh vực tài chính và kinh tế có thể là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế.