Hàng không than 'khó', giá vé mùa hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây
Chiều 10/7, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (VNA), cho biết, 6 tháng đầu năm, thị trường hàng không nội địa cơ bản phục hồi tốt, vượt 8% so với trước dịch năm 2019.
Tuy nhiên, thị trường quốc tế mới chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch, thậm chí một thị trường lớn như Trung Quốc, lượng khách đến Việt Nam mới chỉ phục hồi 9%.
Ông Hoà nhận định 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn dù cơ bản đường bay nội địa và quốc tế đã được phục hồi. Do đó, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục phát huy vai trò điều tiết vĩ mô với hàng không qua việc điều tiết tải cung ứng, tránh quá tải sân bay. Đồng thời, sớm có chính sách điều tiết giá trần với vé máy bay.
“Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé mùa hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không hiện đang rất khó khăn... ”, ông Hòa thông tin.
Về vấn đề tắc nghẽn tải hàng không, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hiện nay thời gian bay chờ rất dài gây tốn kém lớn. Đơn cử như các chuyến bay tới TP.HCM khi hạ cánh phải bay chờ 30 phút, tại Nội Bài cũng phải bay chờ 20 phút.
“Đề nghị có các chính sách hỗ trợ ngành hàng không đến hết năm 2024 là thời điểm phục hồi của ngành”, ông Hòa nói, và đề xuất cần có chính sách cấp slot đường bay quốc tế “có đi có lại” giữa các quốc gia.
Lý do, nhiều nước hiện tại cấp slot cho các hãng nước ngoài rất hạn chế, đơn cử như Vietnam Airlines trong dịch Covid-19 đã dừng bay đến London (Anh), tới nay đã mất hết slot sân bay tại đây.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng kiến nghị hỗ trợ hãng này khi đấu thầu một số hạng mục tại sân bay Long Thành.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp Vietnam Airlines nghiên cứu, tính toán để đàm phán.
“Cần thiết thì có thư gửi cho nước đối tác, không thể mình cấp nhưng họ không cấp lại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu.
Hết ùn tắc đăng kiểm, 5 dự án đường bộ sắp khởi công
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật triển khai quyết liệt góp phần giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nóng, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm;
Tiến độ triển khai các dự án cơ bản đảm bảo, các dự án chậm đã dần lấy lại được tiến độ.
Đáng lưu ý, hiện hầu hết các trung tâm đăng kiểm không còn tình trạng ùn tắc và đã trở lại hoạt động bình thường, năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư từ 32% đến 45%.
Chẳng hạn, tại Hà Nội hiện có 27 đơn vị hoạt động với 45 dây chuyền, năng lực thực tế là 2.700 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.610 xe, đạt 60% năng lực.
Tại TP.HCM hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền, năng lực thực tế là 1.980 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.355 xe, đạt 68% năng lực.
Bộ GTVT cũng cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, dự kiến sẽ khởi công 5 dự án đường bộ lớn, trong đó có 3 đoạn tuyến thuộc dự án đường Hồ Chí Minh.
Cụ thể, 3 dự án thuộc dự án đường Hồ Chí Minh các đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (28,5km); Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (55km); Chơn Thành - Đức Hòa (gần 73km) và 2 dự án khác là cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (hơn 11k m) và cầu Đại Ngãi.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, năm 2023, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn (hơn 90.000 tỷ đồng). Việc phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 95% rất khó khăn, vì vậy, các đơn vị đều phải nỗ lực rất lớn để tăng tốc giải ngân.
N.Huyền