Hàng chục ngàn ha đất tranh chấp, dùng sai mục đích
Ngoài ra, mâu thuẫn gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các bên liên quan, làm giảm cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất và rừng, mất cơ hội liên doanh liên kết, hạn chế giá trị gia tăng cho nguồn gỗ khai thác thông qua chương trình gỗ có chứng chỉ. Đây là nội dung được mổ xẻ tại “Hội thảo mâu thuẫn đất đai giữa công ty lâm nghiệp và người dân địa phương” đã diễn ra ngày 27/3.
Theo báo cáo của Tổ chức Forest Trends và Viện Tư vấn Phát triển CODE (Bộ Khoa học và Công nghệ), cả nước 76.000 ha diện tích đất lâm nghiệp của lâm trường nằm trong diện tranh chấp, lấn chiếm… Đây là con số con số thống kê chưa đầy đủ và cũng là phần nhỏ của “tảng băng chìm” về tình trạng mâu thuẫn đất lâm nghiệp, chưa phản ánh được tính phức tạp của về nguyên nhân mâu thuẫn, tác động của mâu thuẫn và các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 cho thấy giai đoạn 2002-2008 cả nước đã có trên 421.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, chiếm gần 20% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Con số các hộ thiếu đất có chiều hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn 2009-2011 có trên 347.000 hộ thiếu đất. Thiếu đất cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo cao.
Ông Phan Đình Nhã, một người nghiên cứu đất lâm nghiệp lâu năm cho rằng, do bất bình đẳng trong sử dụng đất các lâm trường đang sử dụng nhiều đất, một số nơi cho hiệu quả thấp, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Tại một số địa phương, chính quyền cắt đất từ các lâm trường và đem giao cho các công ty tư nhân để phát triển cây công nghiệp, thay vì chia đất cho dân nhằm thoát nghèo. Sự bất bình đẳng còn thể hiện khi lâm trường trao hợp đồng khoán và bảo vệ rừng cho người ngoài cộng đồng, thông thường là những người giàu, mà không giao cho người dân tại chỗ, điều này làm mất cơ hội về thu nhập và việc làm cho những người dân nghèo.
Ngoài, do việc phát triển mạnh mẽ mạng lưới thị trường hàng hóa nông sản ở vùng núi (đặc biệt là gỗ rừng trồng và sắn) trong thời gian gần đây tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập cho nhiều người. Tiếp cận và kiểm soát đất đai trở thành cơ hội nâng cao thu nhập cho những người nắm giữ các quyền này. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về đất lâm nghiệp tại một số địa phương.
![]() |
Nhiều diện tích đất rừng sử dụng sai mục đích gây ra mâu thuẫn giữa người dân địa phương và các lâm trường |
Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, đại diện Viện Tư vấn Phát triển CODE thì tại nhiều địa phương hiện nay cơ chế giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân thường bế tắc. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cơ sở pháp lý, như chưa có sự phân định ranh giới đất đai rõ ràng trên thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo và thiếu nguồn lực cần thiết nhằm giải quyết tranh chấp. Tại các địa bàn nghiên cứu, Chính quyền vẫn chưa thực sự vào cuộc trong xử lý tranh chấp.
Ông Lung nêu quan điểm, các cơ chế hiện hành vẫn chưa giải quyết tận gốc các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp. Thêm vào đó, khung pháp lý hiện tại hạn chế quyền của chính quyền xã trong xử lý mâu thuẫn đất đai giữa công ty lâm nghiệp và người dân địa phương. Ngoài ra, sự hạn chế sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình giải quyết các mâu thuẫn. Tại một số địa phương, bế tắc trong xử lý mâu thuẫn đất đai đã và đang làm giảm lòng tin của người dân vào sự công tâm và tính hữu hiệu của bộ máy chính quyền cơ sở.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi tranh chấp xảy ra thì bước đầu tiên là các bên tổ chức tự hòa giải. Nếu các bên không tự hòa giải được tổ hòa giải cấp xã được thì thực hiện các bước tiếp theo. Nếu hòa giải tại cấp cơ sở không thành công, các bên có thể nhờ vào sự phán xét của tòa án. Tuy nhiên, hiện tại nhiều địa phương, các cơ sở pháp lý phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp như bản đồ, mốc giới hành chính, hệ thống thông tin giữ liệu về đất đai… thường không hoàn chỉnh. Nhiều nơi, trên cùng một mảnh đất có 2 sổ đỏ được cấp bởi 2 cơ quan khác nhau cho các chủ thể khác nhau
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá… từ đó nghiên cứu xây dựng chính sách tổng thể, đồng bộ, rõ cơ chế, định mức phù hợp... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường… thực hiện thu hồi đất sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, gần khu dân cư… tạo quỹ đất, giao các hộ dân tộc thiểu số sở tại đang thiếu đất… kiên quyết thu hồi diện tích sử dụng sai mục đích, phát canh thu tô, giao khoán không đúng đối tượng…