Hàng chục binh sĩ Trung - Ấn thương vong, chiến tranh biên giới sẽ tái hiện?
Quân đội Trung - Ấn đang đối mặt với nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh biên giới lần hai, sau khi xảy ra cuộc đụng độ nghiêm trọng tại Ladakh làm hàng chục quân nhân thương vong.
Theo báo cáo của cơ quan thông tấn Ấn Độ Asian News International (ANI), Quân đội Ấn Độ và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã xảy ra đụng độ đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến thương vong ở thung lũng Galwan thuộc vùng núi Ladakh, nơi mà chính phủ hai bên đang cố gắng xoa dịu các tranh chấp.
Báo cáo dẫn nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ cho biết, 20 binh sĩ Ấn Độ trong đó có một đại tá đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong 45 năm qua. ANI cho biết, về phía Trung Quốc, có 43 binh lính thương vong.
Hình ảnh được cho là quân nhân Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc xung đột với Ấn Độ ở khu vực biên giới. Nguồn: Sina. |
Tuy nhiên theo báo cáo của hãng thông tấn Sina (Trung Quốc), Ấn Độ chỉ có 3 binh lính hy sinh, về phía Trung Quốc vẫn chưa công bố con số thương vong cụ thể. Ngay sau khi xảy ra cuộc xung đột, tối 16/6 phát ngôn viên Chiến khu phía Tây của PLA, Đại tá Trương Thủy Lợi tuyên bố, Trung Quốc yêu cầu Quân đội Ấn Độ nghiêm khắc quản lý lực lượng của mình ở giới tuyến biên giới, lập tức dừng các hành vi “xâm lược chủ quyền” của Trung Quốc ở khu vực Ladakh và nhanh chóng trở lại bàn đàm phán với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề này
Ladakh là một khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, tranh chấp giữa 2 bên tại khu vực này bắt đầu leo thang từ năm 2017. Đáng chú ý, trong hơn 1 tháng qua, hai bên đã xung đột tại 3 địa điểm ở khu vực Ladakh. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng hiện nay dường như là do Ấn Độ tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng ở phía đông Ladakh, bao gồm một con đường chính Bắc – Nam giúp di chuyển quân đội dễ dàng hơn và làm giảm lợi thế của Trung Quốc về mặt hậu cần.
Đáp trả hành động của Ấn Độ, PLA đã chiếm một loạt các đồn biên phòng hẻo lánh nằm dọc biên giới tranh chấp, được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Ngay sau đó, cả hai bên nhanh chóng di chuyển quân đội và vũ khí hạng nặng về phía LAC. Khi binh sĩ hai bên đối đầu, ẩu đả đã nổ ra hai lần vào tháng 5/2020, tại hồ Pangong ở Ladakh và tại Naku La ở Sikkim, cách đó 1.200 km về phía đông, dẫn đến thương tích nghiêm trọng cho cả hai bên.
Theo ước tính của Trung tướng H.S. Panag, cựu chỉ huy bộ tư lệnh phía Bắc của quân đội Ấn Độ, tổng cộng, PLA đã chiếm được khoảng 40 đến 60 km2 lãnh thổ mà Ấn Độ coi là của mình.
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng căng thẳng. Nguồn: Sina. |
Trung - Ấn có đường biên giới dài 3.500 km và thường xảy ra tranh chấp chủ quyền tại một số khu vực. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc có chủ quyền với 90.000 km2 lãnh thổ mà nước này gọi là "Nam Tây Tạng" ở bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Trong khi đó, chính quyền New Delhi cho rằng bang Arunachal Pradesh phải bao gồm thêm 38.000 km2 lãnh thổ trên cao nguyên Aksai Chin bị Trung Quốc chiếm đóng.
Dù đã tiến hành đàm phán trong nhiều năm, nhưng 2 bên vẫn không giải quyết được các tranh chấp chủ quyền. Không chỉ thế, vùng biên giới đã trở nên căng thẳng hơn, với các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở Ladakh xảy ra vào năm 2013 và 2014, và một cuộc đối đầu kéo dài 73 ngày ở gần biên giới Bhutan vào năm 2017. Năm 2019, Trung Quốc đã bất an khi Ấn Độ hủy bỏ địa vị tự chủ hiến định của bang Jammu và Kashmir và nhập Ladakh vào một lãnh thổ riêng biệt do Delhi quản lý trực tiếp.
Về phía Ấn Độ, các quan chức nước này cũng tăng cường luận điệu về việc chiếm lại toàn bộ lãnh thổ cũ của bang này, bao gồm cả một dải đất mà Pakistan nhượng cho Trung Quốc vào năm 1963. Ấn Độ lo lắng về ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc tại Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh và Sri Lanka, cũng như việc các tàu chiến Trung Quốc tràn vào Ấn Độ Dương. Do vậy, Ấn Độ đang dần nghiêng về Mỹ để cùng nhau đối phó với Trung Quốc.
Nirupama Rao, cựu Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ và từng là đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc cho rằng, bước ngoặt bạo lực trong tranh chấp biên giới vừa qua có thể làm quan hệ Trung - Ấn bước vào nguy cơ mới và nó cũng đẩy nhanh những xu hướng nghiêng về Mỹ của Ấn Độ. Ông nói: “Chúng tôi đang đứng trước một ngã rẽ đáng lo ngại và hết sức nghiêm trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Khi cả hai bên chuyển các nguồn lực lên biên giới, sẽ có một giai đoạn điều chỉnh mà theo đó tình hình mọi thứ có thể đặc biệt nóng lên”.
Nóng: 3 binh sĩ Ấn Độ bỏ mạng ở biên giới, Trung Quốc lên tiếng
Ba binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ ở khu vực biên giới với Trung Quốc vào đêm ngày 15/6.
Đức Trí (lược dịch)