Hàn Quốc tốn 17 tỷ USD vì… học thêm
Khoảng 70% số học sinh Hàn Quốc hiện đang tham gia vào các lớp học thêm hay gia sư riêng. (Ảnh minh họa) |
Ngày 6/2/2013, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã công bố bản báo cáo tổng quan về giáo dục nước này trong năm 2012. Chi phí dành cho các lớp học thêm đã tốn khoảng 1,5% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của nước này. Khoản chi này đã bao gồm cả học phí của các lớp học trực tiếp hay các lớp học thêm qua mạng Internet.
Tuy nhiên, con số này đã thực sự giảm khoảng 5,4% so với năm 2011 với nguyên nhân là nền kinh tế tăng trưởng ì ạch và chi tiêu của người dân cũng bị thắt chặt hơn.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết, khoảng 70% số học sinh các cấp từ tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nước này hiện đang tham gia vào các lớp học thêm hay gia sư riêng. Các môn học phổ biến nhất là toán và tiếng Anh với chi phí hàng năm của mỗi học sinh là khoảng 2.600 USD.
Ở Hàn Quốc, việc đạt điểm cao tại kỳ thi quốc gia là điều kiện quyết định giúp cho các học sinh có thể được nhận vào học tại những trường ĐH hàng đầu. Việc tốt nghiệp các trường ĐH này cũng giúp cho sinh viên có thể dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm một công việc có thu nhập cao trong tương lai hay thậm chí là đảm bảo cả về đời sống hôn nhân của họ.
Tuy nhiên, học thêm không phải là vấn đề của riêng Hàn Quốc mà có vẻ như đó là “truyền thống” của hầu hết các nước châu Á. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hồi giữa năm 2012 cho rằng, dạy thêm là một hình thức kinh doanh mở rộng không chỉ có mặt ở những nước giàu có mà cả tại một số nước có kinh tế lạc hậu hơn ở châu Á, bởi các bậc phu huynh luôn muốn con em mình có bước khởi đầu cuộc đời vững vàng nhất.
“Gần 9 trong số 10 học sinh tiểu học Hàn Quốc hiện nay có gia sư riêng dạy kèm, trong khi tỷ lệ này ở bang Tây Bengal của Ấn Độ là 6 trên 10 em”, báo cáo của ADB viết.
Ước tính chi phí cho gia sư riêng ở Hàn Quốc tương đương 80% tổng chi của chính phủ cho giáo dục. Người Nhật Bản cũng chi 12 tỷ USD cho dạy thêm năm 2010, trong khi con số này tại Singapore là 680 triệu USD năm 2008.
Tại Hong Kong, nơi 85% học sinh cấp 2 đều học thêm, các công ty luôn ra sức quảng cáo về dịch vụ gia sư "ngôi sao" của mình trên tivi, báo chí và cả xe buýt. "Dù chi phí ít thấp hơn ở những nền kinh tế khác nhưng Hong Kong vẫn đi đầu trong xu hướng chung", báo cáo cho biết.
Theo ADB, việc học thêm ngoài giờ học chính ở trường khiến nhiều thanh thiếu niên không còn thời gian dành cho thể thao và các hoạt động ngoại khóa cần thiết để phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Điều này cũng dẫn đến những căng thẳng và đào sâu khoảng cách trong xã hội, bởi những gia đình khá giả có khả năng chi mạnh tay hơn để thuê được gia sư có trình độ tốt hơn.