Hàn Quốc sẵn sàng nhận lại lệnh chỉ huy tác chiến thời chiến?
Hàn Quốc đang tăng cường khả năng phòng thủ, thông tin tình báo, giám sát trước thời hạn nhận lại OPCON từ Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2015. Ngoài thỏa thuận mua những hạng mục vũ khí như các chiến đấu cơ của Boeing, máy bay không người lái của Tập đoàn Northrop Grumman và bom chùm chống giáp tiên tiến của Tập đoàn Textron Systems, Mỹ cũng ủng hộ việc Hàn Quốc mua các hệ thống tên lửa đánh chặn tiên tiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới Seoul hôm 29/9/2013. |
Chuyến công du của ông Hagel đến Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất máy bay chiến đấu của Mỹ và châu Âu đang cạnh tranh để giành được thỏa thuận vũ khí được cho là lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc. Việc tăng cường đầu tư cho quốc phòng của Hàn Quốc được cho là nhằm nâng cao khả năng phòng thủ khi Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang tăng cường chi tiêu cho quân sự và Triều Tiên đang phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân.
Thời hạn chưa chắc chắn
Tuy nhiên, Hàn Quốc có vẻ như vẫn chưa sẵn sàng cho việc chuyển giao OPCON. Phát biểu trong phiên điều trần tại quốc hội hôm 3/9, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan Jin cho rằng tháng 12/2015 không phải là thời điểm thích hợp để chuyển giao OPCON và gợi ý rằng chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ đề nghị hoãn tiếp quá trình chuyển giao này.
Yang Uk, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Seoul của Hàn Quốc cho rằng Hàn Quốc vẫn cần phải chuẩn bị tốt hơn nữa để đối phó với các cuộc tấn công bất ngờ, giống như cuộc tấn công vào tàu Cheonan hồi tháng 3/2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng và vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong hồi tháng 11/2010.
Các khả năng chuyển giao
Ông Hagel sẽ gặp gỡ với người đồng cấp và nhiều quan chức khác của Hàn Quốc trong chuyến công du này, đúng dịp Mỹ và Hàn Quốc kỷ niệm 60 năm liên minh quân sự gắn kết hai quốc gia này. Theo các quan chức Mỹ, Mỹ cam kết sẽ cung cấp đầy đủ nhu cầu về các thiết bị chiến đấu và thông tin liên lạc cần thiết cho Hàn Quốc theo thỏa thuận Liên minh Chiến lược 2015.
Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua thêm bom dẫn đường bằng vệ tinh Boeing và tên lửa không-đối-không của hãng Raytheon (Mỹ).
Trước đó, tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc đã gửi một bản điều trần đến Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho rằng bán đảo Triều Tiên cần một vũ khí đánh chặn tối tân như THAAD (Terminal High Altitude Area Defense System - hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) của Lockheed và một hệ thống cảm biến mạnh mẽ như Radar AN/TPY-2 của Raytheon để chặn tên lửa tầm trung.
Phòng thủ tên lửa
Mike Trotsky, Phó chủ tịch hãng Lockheed cho biết: "Hàn Quốc đang tìm kiếm các giải pháp thay thế để cải thiện hệ phòng thủ tên lửa”. “Ban đầu, họ có thể sẽ nâng cấp hệ thống Patriot lên Pac-3. Sau đó, họ sẽ nghiên cứu những giải pháp chống lại tên lửa đạn đạo tầm xa hơn".
Hàn Quốc sẽ bắt đầu nhận bàn giao 36 máy bay trực thăng AH-64 Apache Longbow của Boeing đặt hàng từ tháng Tám vào năm 2016. Loại máy bay này có thể tấn công các mục tiêu ở các khu vực đồi núi hiểm trở.
Theo Lầu Năm Góc, AH-64 Apache Longbow sẽ cải thiện khả năng của Hàn Quốc trong việc bảo vệ biên giới và các vùng biển duyên hải cũng như chống khủng bố và chống cướp biển, hỗ trợ cho quân đội.
Máy bay không người lái
Theo một nguồn tin thân cận, Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ mua máy bay trinh sát không người lái Global Hawk của Tập đoàn Northrop Grumman vào đầu năm tới. Lầu Năm Góc ước tính, giá trị thỏa thuận mua 4 máy bay không người lái cùng với các hợp đồng cung cấp linh kiện, đào tạo và hỗ trợ hậu cần của Hàn Quốc có thể lên đến 1,2 tỷ USD.
Gần đây, Hàn Quốc cũng đã chấp thuận mua Sensor Fuzed Weapon, vũ khí chống giáp có cảm biến thông minh của Tập đoàn Textron Systems. Nó giống như một quả bom chùm, mỗi quả bom con đều có một bộ cảm biến thông minh để xác định các mục tiêu trước khi tấn công. Theo một thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc, loại vũ khí này sẽ giúp Hàn Quốc tăng cường khả năng đánh bại một loạt các hệ thống phòng thủ của đối phương bao gồm các công sự, xe bọc thép, và các mối đe dọa hàng hải”.
Nguy cơ đối đầu
Ông Hagel cho rằng bán đảo Triều Tiên “có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới luôn luôn có nguy cơ đối đầu”. Ông cũng cho biết chính phủ Mỹ cam kết duy trì 28.500 quân đồn trú của Mỹ ở Hàn Quốc, bất chấp việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Ông cho hay, Lầu Năm Góc sẽ điều chỉnh việc ngân sách bị cắt giảm, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện những cam kết đối với các đồng minh, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương.