Hàn Quốc, Mỹ, Nhật sẽ thảo luận về Triều Tiên tại Singapore
Theo dự kiến, ông Hagel sẽ bay tới Singapore vào ngày 31/5 để tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh liên chính phủ thường niên giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu, chủ yếu đến từ Mỹ và các quốc gia châu Á.
Đây cũng là chuyến đi đầu tiên tới châu Á của ông kể từ khi nhậm chức hồi tháng Hai.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên với Hàn Quốc, Nhật Bản tại Singapore vào cuối tuần này. |
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi luôn nói về tình hình an ninh khu vực và rõ ràng Triều Tiên luôn là trung tâm của các cuộc đàm thoại với hai đồng minh này".
Tình hình căng thẳng và không ổn định trên bán đảo Triều Tiên sẽ là nội dung chính trong chương trình nghị sự của các cuộc thảo luận.
Những vấn đề khác sẽ được thảo luận trong cuộc gặp giữa ông Hagel và những người đồng cấp, Kim Kwan-jin của Hàn Quốc, Itsunori Onodera của Nhật Bản vào ngày 1/6 tới sẽ là các cuộc tập trận ba bên, việc cứu trợ thiên tai, chống phổ biến vũ khí và chống cướp biển.
Ngoài ra, ông Hagel còn có kế hoạch tổ chức một cuộc họp ba bên với người đồng cấp của Úc và Nhật Bản và một số cuộc gặp song phương bên lề diễn đàn an ninh này.
Quan chức này cũng cho hay, vấn đề tăng cường phòng thủ tên lửa trong khu vực nhằm đối phó với các mối đe dọa của Triều Tiên dự kiến cũng sẽ được đưa ra thảo luận.
Tuy nhiên, Mỹ không có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán song phương chính thức với Trung Quốc ở Singapore vì Bắc Kinh chỉ cử một phái đoàn do một quan chức quân sự hàng đầu tham dự chứ không phải là bộ trưởng quốc phòng.
Nhật Bản cũng yêu cầu có một cuộc họp bộ trưởng song phương với Hàn Quốc bên lề diễn đàn Singapore, nhưng Hàn Quốc từ chối đề nghị này. Quan hệ chính trị giữa Seoul và Tokyo không có dấu hiệu được cải thiện trong bối cảnh có những quan điểm về lịch sử gây tranh cãi của chính quyền ông Shinzo Abe và các chính trị gia hàng đầu khác tại Nhật Bản.
Khi được hỏi ông Hagel liệu có gửi thông điệp tới Hàn Quốc và Nhật Bản về mối quan hệ căng thẳng giữa họ hay không, vị quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc chỉ cho biết, mối quan hệ đồng minh của Mỹ với hai quốc gia châu Á này là nền tảng của chiến lược an ninh trong khu vực.
Trong khi đó, các trợ lý của Hagel nhấn mạnh rằng ông có mối quan hệ cá nhân với Châu Á, và đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Với tư cách là một thượng nghị sĩ, ông là người đã đóng góp rất nhiều cho việc thành lập diễn đàn Shangri-La cách đây hơn một thập kỷ.
Hagel sẽ đến thăm Bộ chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) Mỹ tại Honolulu, Hawaii, trên đường đến Singapore. Sau 4 ngày tại Singapore, ông sẽ tới Brussels để tham dự cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO.
Trong một diễn biến khác, hôm 28/5, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã thay thế người đàm phán hàng đầu của Washington, ông Robert Einhorn trong các cuộc đàm phán với Hàn Quốc về việc hợp tác hạt nhân dân sự.
Trong hai năm qua, ông Einhorn, đã chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc đàm phán với Hàn Quốc về việc sửa đổi hiệp ước năng lượng hạt nhân.
Người sẽ thay thế ông Eihorn là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách An ninh Quốc tế và Không phổ biến Vũ khí, Thomas Countryman.
Theo hiệp ước hiện tại, được ký kết hồi năm 1974 về việc chuyển giao công nghệ và vật liệu hạt nhân từ Mỹ, Hàn Quốc không được tham gia vào các hoạt động này ngay cả khi vì mục đích hòa bình.
Trong khi đó, Hàn Quốc cho rằng đất nước này cần mở rộng các hoạt động hạt nhân để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng về năng lượng hạt nhân.
Nhưng các quan chức Mỹ vẫn lo ngại về những tác động tiêu cực đối với chiến dịch phổ biến hạt nhân toàn cầu.