"Hàn Quốc không cần quan tâm tới Donald Trump"
Chia sẻ trên tạp chí National Interest, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Cato và từng là cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, ông Doug Bandow cho rằng, nếu chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ lần thứ hai, thủ đô Seoul, đầu não kinh tế, chính trị và dân cư của Hàn Quốc, sẽ hoàn toàn bị phá hủy.
Nhiều người dự đoán, trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc chính thức vào hôm nay (9/5), ứng cử viên Moon Jae-in dường như cầm chắc chiến thắng. Cách đây 5 năm, ông Moon từng thua cuộc trước cựu Tổng thống Park Geun-hye trong cuộc đua vào Nhà Xanh.
![]() |
Tổng thống Donald Trump đã có nhiều tuyên bố ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ - Hàn. |
Trong khi cựu Tổng thống Park và những người tiền nhiệm thực thi chính sách áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên để buộc quốc gia này từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi, ông Moon lại có tư tưởng ủng hộ "chính sách Ánh sáng mặt trời". Chính sách này hướng tới việc hỗ trợ và viện trợ cho Bình Nhưỡng để đổi lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
"Chính sách Ánh sáng mặt trời" đã bị bỏ ngỏ từ thời cựu Tổng thống Roh Moo-hyun nhưng theo ông Moon, ông sẽ khôi phục lại chính sách này bao gồm việc tái mở cửa và mở rộng hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong. Đây từng là nguồn thu ngoại tệ mạnh lên tới 100 triệu USD/năm cho Triều Tiên.
Đặc biệt, ông Moon còn là người phản đối Mỹ cho triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Trong khi đó, Mỹ cho rằng sự xuất hiện của THAAD sẽ giúp Hàn Quốc ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Nhiều khả năng, nếu đắc cử, ông Moon cũng sẽ từ chối hợp tác với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong kế hoạch tăng cường sức ép kinh tế với Triều Tiên cũng như phát động một cuộc chiến tranh với Bình Nhưỡng.
Về phần mình, ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Hàn. Theo ông Trump, Hàn Quốc cần phải trả thêm tiền để duy trì hoạt động của quân đội Mỹ ở quốc gia này. Tuy nhiên sau khi ông Trump chính thức nhậm chức, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã trấn an Hàn Quốc khi khẳng định, Washington vẫn sẽ cam kết bảo vệ đồng minh Seoul. Nhưng ngay sau đó, ông Trump lại đặt Hàn Quốc vào tình cảnh bất an khi điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên. Hành động của Mỹ là nhằm cảnh báo Washington có thể tấn công Bình Nhưỡng bất cứ khi nào nếu Triều Tiên có thêm động thái khiêu khích quân sự. Khi tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa hết nóng, ông Trump lại ra tuyên bố yêu cầu Hàn Quốc trả cho Mỹ 1 tỷ USD để triển khai THAAD đồng thời đe dọa xóa sổ Hiệp ước thương mại tự do giữa hai nước.
Tuy nhiên khi chia sẻ trên The Wizard of Oz, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông H. R. McMaster lại cho rằng chính phủ Hàn Quốc không cần quan tâm tới tuyên bố của ông chủ Phòng Bầu dục. Lời nói của ông MsMaster nhằm ám chỉ tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trên hết, toàn bộ những tuyên bố bất nhất của ông Trump đã khiến người dân Hàn Quốc không còn cảm thấy tin tưởng cam kết sẵn sàng bảo vệ đồng minh mà Mỹ đã nhắc tới lâu nay.
Trên thực tế, nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể loại bỏ khi mà Mỹ khẳng định "mọi phương án đều đang nằm trên bàn thảo luận".
Còn hiện tại, đa phần người dân Hàn Quốc đều không ủng hộ ý tưởng tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên. Bởi người dân Hàn Quốc đã chung sống và quá quen với mối đe dọa và những lời khiêu khích từ phía Triều Tiên trong nhiều năm qua. Ngoài ra, người dân Hàn Quốc còn hy vọng sự hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ giúp quốc gia này tiến tới một nền dân chủ thịnh vượng.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, Bình Nhưỡng không muốn có chiến tranh. Nhưng nếu Mỹ nổ súng trước, một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên là điều khó tránh khỏi.
Theo Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, nếu chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ thì Hàn Quốc là người khơi mào chứ không phải Mỹ. Và đây sẽ là một "quyết định tồi cho Hàn Quốc" bởi quốc gia này sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường.
![]() |
Một cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ - Hàn. |
Một trong những lý do là Triều Tiên đã đặt lực lượng pháo binh hùng hậu dọc khu vực phi quân sự (DMZ) ở phía bắc Seoul cùng dàn tên lửa Scud. Ngoài ra, Triều Tiên còn đang nắm trong tay các loại vũ khí sinh học, hóa học và cả vũ khí hạt nhân. Dù có chịu thiệt hại lớn nhưng với số lượng quân nhân đông đảo cùng dàn vũ khí hùng hậu, quân đội Triều Tiên vẫn có thể tiến tới Seoul dù bên trên là không quân Mỹ - Hàn giành ưu thế. Ngay cả khi Mỹ và Hàn Quốc giành chiến thắng trước Triều Tiên, cái giá mà Hàn Quốc phải trả cũng rất đắt.
Ngoài ra, cuộc chiến lần thứ hai trên bán đảo Triều Tiên sẽ phá tan mọi nỗ lực ngăn tái diễn chiến tranh trong suốt 60 năm của Mỹ ở khu vực này. Theo Thượng nghị sĩ Graham, dù cuộc chiến xảy ra ở bán đảo Triều Tiên chứ không phải trên đất Mỹ nhưng nhiều cư dân Mỹ sinh sống ở khu vực này cũng sẽ bị thiệt mạng. Trong khi đó, các vụ tấn công từ tên lửa Triều Tiên có thể phá tan căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Không chỉ công dân Mỹ sinh sống trên bán đảo Triều Tiên bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, hàng trăm ngàn người dân vô tội Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nói cách khác, các cuộc phản công của Triều Tiên trước sức mạnh tấn công của Mỹ sẽ tạo ra thảm họa về cả con người và kinh tế trong khu vực.
Về phần mình, phản ứng trước những lời chỉ trích mạnh mẽ từ phía Mỹ, Triều Tiên lại có những tuyên bố "khủng khiếp hơn" đe dọa gây ra những cái chết thương tâm và sự hủy diệt. Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un và giới chức Triều Tiên hiểu rằng Mỹ chỉ muốn dọa chứ thực tế không muốn tấn công quân sự.