Hàn Quốc hoài nghi lời đề nghị đối thoại của Triều Tiên
“Hành động quan trọng hơn lời nói”, Phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Kim Hyung-seok cho biết khi được hỏi về lời đề nghị. Lời đề nghị này được phía Triều Tiên nêu ra trong một bức thư mà đặc phái viên của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi đến Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chuyến thăm tới Trung Quốc hôm thứ Sáu (24/5).
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết thư được trích dẫn chỉ ra sự sẵn sàng của Triều Tiên trong việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên bị đình trệ về phi hạt nhân hóa liên quan đến Trung Quốc, hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản.
Thông điệp đã được chào đón với thái độ hoài nghi ở Trung Quốc, nơi mà các nhà quan sát xem đây là một nỗ lực để xoa dịu Bắc Kinh chứ không phải là tín hiệu chính thức cho ý định này. Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố rằng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ là khả thi và không thể thương lượng. Trong khi đó, Seoul và Washington khẳng định Triều Tiên phải thể hiện cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình trước khi các cuộc đàm phán chính thức có thể bắt đầu.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi thị sát tại một đơn vị quân sự ở phía bắc nước này trong thời gian gần đây |
Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả chuyến thăm của phái viên Choe Ryong Hae tới Trung Quốc là một chuyến thăm đơn thuần mà không hề đề cập đến bất kỳ lời đề nghị đối thoại nào. Thông tấn xã trung ương Triều Tiên cũng chỉ nói rằng bức thư gửi tới ông Tập Cận Bình là truyền đạt mong muốn của Kim Jong Un với hy vọng làm sâu sắc hơn “tình hữu nghị truyền thống” giữa nước này với Trung Quốc.
Trung Quốc là ân nhân kinh tế duy nhất tới thời điểm này của Triều Tiên, cũng là nước đang đứng ra bảo vệ về mặt ngoại giao trên trường quốc tế cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc cũng đã ký vào lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc do các cuộc thử hạt nhân hồi tháng Hai.
Tại Seoul, Bộ Thống nhất cho biết Triều Tiên cần phải thẳng thắn đưa ra lời đề nghị. Bộ này cũng chỉ trích Bình Nhưỡng là "hai mặt" khi gửi lời mời đến một nhóm công dân cánh tả ở Hàn Quốc. "Nếu Triều Tiên thực sự muốn đối thoại, bước đầu tiên là nên đáp ứng lời đề nghị cho các cuộc đàm phán chính phủ làm việc về Khu phức hợp công nghiệp Kaesong," người phát ngôn nói.
Khu công nghiệp Kaesong là nạn nhân lớn nhất của những căng thẳng quân sự kéo dài 2 tháng qua, tiếp sau các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Kaesong được thành lập ở biên giới phía bắc Hàn Quốc vào năm 2004 như một biểu tượng hiếm hoi của sự hợp tác giữa hai miền. Đã có hơn 120 công ty Hàn Quốc hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây và họ sử dụng 53.000 công nhân Triều Tiên.
Triều Tiên đã cấm công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp và rút toàn bộ lao động của mình vào đầu tháng Tư. Seoul sau đó cũng đã rút các công nhân cuối cùng của mình vào đầu tháng Năm.
Hàn Quốc đã kêu gọi các cuộc đàm phán về việc đảm bảo nguồn nguyên liệu và các sản phẩm còn lại trong các nhà máy, nhưng Triều Tiên cho đến nay vẫn từ chối. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng chỉ trích Triều Tiên về một cuộc tấn công cá nhân gần đây nhằm vào Tổng thống Park Geun-hye, xem nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc là một "sự đối đầu điên cuồng" đối với Bình Nhưỡng.