Hàn Quốc đề xuất xây công viên hòa bình với Triều Tiên
Khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên |
“Khu phi quân sự (DMZ) cần thực hiện đúng chức năng là nơi tăng cường sự hiện diện của hòa bình chứ không phải sự giao tranh. Tôi hy vọng triển khai xây dựng một công viên quốc tế ngay tại DMZ. Công viên này sẽ gửi thông điệp hòa bình tới toàn nhân loại”, Tổng thống Hàn Quốc - Park Geun-Hye phát biểu trong cuộc hợp với Hạ viện và nghị sĩ Mỹ hôm 8/5.
Mặc dù không công bố chi tiết kế hoạch xây dựng công viên tại khu DMZ, song đề xuất hôm 8/5 của tổng thống Park đã thể hiện sự “dịu giọng” trong cách cư xử của Seoul với Bình Nhưỡng. Trước đó, hôm 7/5, bà Park và tổng thống Mỹ - Barack Obama tuyên bố Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì sự phòng thủ mạnh mẽ và không tán thưởng những hành vi khiêu khích của Triều Tiên.
Trong khi đó, khu công nghiệp chung Kaesong - biểu tượng một thời cho tinh thần hợp tác hợp liên Triều, nay đã phải ngừng hoạt động sau khi Bình Nhưỡng quyết định rút toàn bộ 53.000 công nhân về nước và từ chối đàm phán thương lượng với Seoul. Lo ngại cho sự an toàn của công dân, hôm 30/4, chính phủ Hàn Quốc cũng đã cho rút toàn bộ số công nhân còn lại tại Kaesong về nước.
Khu công nghiệp chung Kaesong nằm trong phạm vi lãnh thổ của Triều tiên khoảng 10 km về phía bắc và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004. Do căng thẳng quân sự ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, nhiều khả năng tổ hợp công nghiệp này sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn.
“Tôi kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế cùng tham gia để mở ra niềm hy vọng cho một khởi đầu mới”, bà Park nói.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á xây dựng tinh thần hợp tác trong các lĩnh vực như môi trường và cứu trợ giảm nhẹ thiên tai. Theo bà Park, Mỹ và thậm chí cả Triều Tiên đều có thể tham gia chương trình này.
Theo bà Park, đề xuất xây công viên chung với Bình Nhưỡng là một phần trong chính sách “chính trị niềm tin” nhằm tăng cường sự ổn định trong các mối quan hệ giữa hai nước. Chính sách “chính trị niềm tin” đã được tổng thống Park xây dựng trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử hồi tháng 12 năm ngoái nhằm tìm ra con đường mới khôi phục sự hợp tác và ổn định trong khu vực sau cuộc nội chiến cách đây 60 năm.
Tình hình quân sự trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng kể từ sau vụ phóng tên lửa tầm xa mang theo một vệ tinh cỡ nhỏ vào không gian hồi tháng 12 năm ngoái và lần thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng 2 của quốc gia cô lập. Trong đó, đỉnh điểm của sự căng thẳng là khi nhà lãnh đạo trẻ - Kim Jong-un đe dọa tấn công hạt nhân chống lại Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, mức độ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu chùng xuống sau khi một qua chức Quốc phòng Mỹ thông báo Bình Nhưỡng đã di dời 2 tên lửa tầm trung Musudan khỏi bãi phóng. Đây là dấu hiệu cho thấy ít nhất trong thời điểm hiện tại, Triều Tiên sẽ chưa tiến hành thêm một vụ phóng thử tên lửa.
Trong khi đó, hôm 7/5, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã ngừng mọi giao dịch và đóng băng tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên – ngân hàng ngoại hối hàng đầu của quốc gia này, do bị cáo buộc hỗ trợ tài chính cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Trong những năm qua, Mỹ đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc thi hành các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, trong một động thái nhằm hòa giải mối quan hệ giữa 2 nước và không mang yếu tố chính trị, bà Park đã đề nghị viện trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên đặc biệt là trẻ em.