Hải quân Mỹ - Hàn tập trận: Răn đe Triều Tiên?
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận rằng cuộc tập trận kéo dài 3 ngày đang được thực hiện trên biển Nhật Bản ngoài khơi cảng Pohang của Hàn Quốc. Triều Tiên đã lên án cuộc tập trận này và gọi đây là cuộc tập trận “gây chiến”.
Tàu ngầm hạt nhân USS San Francisco của Mỹ được điều động trong cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn bắt đầu hôm nay. |
Mặc dù các quan chức quân đội Hàn Quốc nhấn mạnh rằng cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch trước khi Triều Tiên đe dọa thử vũ khí hạt nhân lần 3, sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Mỹ được coi là lời cảnh cáo đối với Bình Nhưỡng.
Tàu ngầm USS San Francisco được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk được sử dụng trong cuộc tập trận cùng với tàu khu trục loại Aegis 9.800 tấn USS Shiloh.
“Cuộc tập trận có nội dung gồm huấn luyện hành động trên biển, dò và phát hiện tàu ngầm, huấn luyện bắn đạn thật chống máy bay, chống tàu và chống tên lửa”, hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói.
Theo hãng tin AFP, cuộc tập trận diễn ra trong lúc Triều Tiên tăng cường đe dọa tiến hành một vụ thử hạt nhân nhằm đáp trả lại các lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt nước này vì tiến hành phóng tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái.
Hôm qua, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo nước này, Kim Jong Un, đã chủ trì một cuộc họp giữa các quan chức cấp cao nước này nhằm thảo luận về “bước ngoặt to lớn” trong việc củng cố năng lực quân sự và đưa ra chỉ thị “quan trọng” cho các quan chức cấp cao nước này.
Mặc dù truyền thông Triều Tiên không đề cập cụ thể tới một vụ thử hạt nhân, nhiều nhà quan sát ở Hàn Quốc nhìn nhận đây là cuộc họp đề ra chỉ thị chính thức tiến hành vụ thử.
Một số nhà quan sát dự đoán rằng vụ thử sẽ được tiến hành trước dịp Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 10/2, trong khi một số khác cho rằng vụ thử sẽ diễn ra trung với ngày sinh của cha Kim Jong Un, cố chủ tịch Kim Jong Il, vào ngày 16/2.
Sau cuộc họp ngày hôm qua với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak đã thúc giục các quan chức Hàn Quốc phải “ở tư thế chuẩn bị tốt nhất” cho bất kỳ vụ thử nào.
“Việc duy nhất còn lại (của Triều Tiên) là xem xét về mặt chính trị”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Kim Min-Seok nói và kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế.
Hình ảnh vệ tinh vừa qua cho thấy hoạt động tại khu vực thử hạt nhân Punggye-ri cho thấy Triều Tiên đã chuẩn bị cho vụ thử và che cửa đường hầm nơi thử nghiệm hạt nhân.
Trong tuần qua, Bình Nhưỡng đã đưa ra một loạt những lời cảnh cáo, đe dọa đáp trả quyết liệt các lệnh cấm vận mới nhất của Liên Hợp Quốc, trong đó có lời đe dọa hôm 2/1 rằng Bình Nhưỡng sẽ có hành động “trả đũa cứng rắn nhất”.
Triều Tiên khăng khăng rằng vụ phóng thử tên lửa hồi tháng 12 chỉ mang mục đích khoa học, đưa vệ tinh vào quĩ đạo. Nhưng dư luận các nước coi đây chỉ là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân vào năm 2006 và 2009.
Hôm qua, đặc phái viên của Seoul về hạt nhân đã rời Bắc Kinh để gặp gỡ người đồng nhiệm Trung Quốc như một nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiến hành một vụ thử mới.
Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Triều Tiên, được nhìn nhận là quốc gia duy nhất thực sự có tầm ảnh hưởng tới chính quyền Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cũng là chủ tịch của diễn đàn giải giáp hạt nhân 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bao gồm các nước Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nga.
Triều Tiên đã rút lui khỏi các cuộc đàm phán vào tháng 4/2009 và một tháng sau đó tiến hành vụ thử nguyên tử lần thứ 2.